ANNA AKHMATOVA

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/10/2022 | 9:45:30 PM

Anna Andreyevna Gorenko thường được biết đến với bút danh Anna Akhmatova. Là một nhà văn, nhà phê bình và dịch giả, Anna Akhmatova. là một trong những nhà thơ Nga quan trọng và xuất sắc nhất thế kỷ 20. Tác phẩm của Akhmatova trải dài từ những bài thơ trữ tình ngắn đến những bài có cấu trúc phức tạp, chẳng hạn như Requiem (1935–1940), kiệt tác bi thảm của bà về sự khủng bố của chủ nghĩa Stalin.

Anna Akhmatova (1889–1966)
Anna Akhmatova (1889–1966)



EM LÂU RỒI ĐÃ KHÔNG CÒN CƯỜI NỮA
(Я улыбаться перестала)

Em lâu rồi đã không còn cười nữa
Gió buốt làm lạnh giá cả đôi môi,
Niềm hy vọng vừa vơi đi một chút,
Một bài ca khi ấy lại ra đời.

Nhưng vô tình em khiến bài hát đó
Bị chê cười và chửi rủa khắp nơi,
Càng đau đớn không thể nào chịu nổi
Khi tình yêu chỉ im lặng mà thôi.

Tháng 5-2020.



ĐỪNG VÒ NÁT THƯ EM
(Ты письмо мое, милый, не комкай)

Anh thân yêu! Anh chính là tất cả
bức thư mà em đã viết, làm ơn
đừng vò nát nó ở giây phút cuối
hãy đọc như một người bạn, được không.

Anh sẽ hiểu em cực kỳ mệt mỏi
vì bỗng nhiên thành người lạ trong nhà
người xa lạ trong cuộc đời anh thấy
đừng nhìn em rồi giận dữ hét la.

Hay buồn bã, xin anh đừng như vậy
em đã yêu, đã là của anh rồi,
em không phải nàng chăn cừu, công chúa,
và tất nhiên cũng chẳng phải nữ tu.

Trong chiếc váy màu xám này giản dị
đôi giày cao…
vẫn như trước chúng mình,
một cái ôm như lửa bừng thiêu đốt,
sao vẫn còn sự sợ hãi trong em.

Anh thân yêu! Anh chính là tất cả
bức thư mà em đã viết, làm ơn
đừng khóc vì những yêu thương lừa dối
chiếc ba lô tội nghiệp của anh đây
hãy cất nó vào thật sâu, dưới đáy.

Tháng 10-2018.


CHÀNG DỊU DÀNG HAY LO LẮNG GHEN TUÔNG
(Был он ревнивым, тревожным и нежным)

Chàng dịu dàng, hay lo lắng, ghen tuông
Chàng yêu em như mặt trời của Chúa,
Và để nàng không hát về người cũ
Chàng giết đi con chim trắng của em.

Chàng bước vào, trong ánh sáng hoàng hôn,
Khẽ thì thầm: "Yên anh đi nàng hỡi!
Cười lên nào, thơ tình đừng viết vội”
Em bèn chôn con chim ngộ nghĩnh kia
Sau cái giếng dưới gốc cây đã cỗi.

Hứa với anh, em sẽ không khóc nữa
Nhưng tim em đã hóa đá lâu rồi
Và dường như em vẫn luôn nghe thấy
Tiếng con chim dịu dàng hót quanh đây.

Tháng 4-2020.


KÝ ỨC NGÀY MẶT TRỜI ĐANG TẮT
(Память о солнце в сердце слабеет)

Ôi ký ức ngày mặt trời đang tắt
trong tim em, cỏ vàng úa ngoài kia
ngược chiều gió tuyết đầu mùa lất phất
nhọc nhằn sao, nhọc nhằn biết bao nhiêu.

Con mương nhỏ giờ không còn chảy nữa
nước đóng băng vì lạnh cóng hết rồi
ở nơi này chẳng bao giờ có thể
bất cứ gì cũng không thể xảy ra.

Trên nền trời, mành tơ liễu thướt tha
đan vào nhau giống như hình cái quạt
có lẽ nào… tốt hơn chăng, ngày trước
em -giá như, không làm vợ của anh.

Ký ức ngày mặt trời lặn trong tim
bóng tối ư? cái quái gì thế nhỉ?
có thể lắm! qua đêm rồi sẽ đến
qua đêm nay là sẽ tới mùa đông.

Tháng 10-2018.


TÔI TỰ MÌNH HỌC CÁCH SỐNG KHÔN NGOAN
(Я научилась просто, мудро жить)

Tôi tự mình học cách sống khôn ngoan,
khi nhìn trời và đọc kinh cầu nguyện,
lang thang bước mỗi khi chiều vừa đến,
để xua đi những mỏi mệt không đâu,
và đủ lâu để không còn lo lắng.

Khi ngưu bàng xạc xào trong khe núi
và đống tro màu vàng-đỏ còn nguyên,
tôi sáng tác những bài thơ ngộ nghĩnh
về cuộc đời có thể rất đẹp xinh,
cũng có thể lụi tàn và chết chóc.

Tôi trở về. Con mèo xù liếm láp
bàn tay tôi với dáng vẻ hân hoan
và ngọn lửa bỗng bất ngờ rực sáng
giữa trời đêm bên hồ nước trong làng
trên tháp canh của một nhà máy gỗ.

Sự tĩnh lặng đang phun trào, thi thoảng
bị phá tan bởi tiếng của con cò
trên mái nhà nó thấy điều gì đó
nếu lúc này anh gõ cửa, lắng nghe
tôi biết ngay mình đã giành chiến thắng.

Tháng 4-2020.


ANH LÚC NÀY THẬT NẶNG NỀ BUỒN TẺ
(А ты теперь тяжелый и унылый)

Anh lúc này thật nặng nề, buồn tẻ
Bao vinh quang và cả những ước mơ,
Cũng chối bỏ, nhưng em thì vẫn thấy
Anh đáng yêu đến không thể chối từ,
Càng u ám lại càng thêm cảm động.

Anh uống rượu, nhiều đêm trong giấc mộng,
Chẳng nhận ra điều gì thực hay mơ,
Màu xanh nhuộm ánh mắt anh đau đớn
Tìm bình yên trong ly rượu, rõ khờ!

Còn con tim chỉ muốn mau giải thoát
Số phận kia, trách nó chậm làm chi
Cơn gió tây ngày càng hay chuyển đến
Những giận hờn và trách móc, cầu xin.

Em sao dám quay về cùng anh chứ?
Dưới bầu trời nhợt nhạt của quê hương
Chỉ có thể nhớ âm thầm rồi hát
Nhưng còn anh, dám nhớ đến em không.

Ngày qua ngày, nỗi buồn càng sầu thảm
Biết nguyện cầu, xin gì Chúa cho anh?
Tình yêu em rốt cuộc là vậy đấy
Anh nghĩ xem nếu như muốn giết em
Anh tới đây cũng không sao giết được.

Tháng 4-2020.


ANH ĐẾN ĐÂY ĐỂ AN ỦI TÔI CHĂNG
(Ты пришел меня утешить, милый)

Anh đến đây để an ủi tôi chăng
Người hiền ngoan, nhu mì, cao quí nhất…
Vào lúc mà tôi chẳng còn hơi sức
Và bên song cửa sổ đã cài then.

Tôi chết rồi, anh nghĩ vậy đúng không,
Rồi mang đến một vòng hoa quá xấu.
Nhìn anh cười mà tim tôi đau nhói,
Vừa buồn rầu, vừa diễu cợt, đắng cay.

Mệt mỏi ư, giờ tôi cũng đâu hay!
Nếu như anh ráng ngồi thêm chút nữa
Tôi sẽ xin Chúa nhân từ tha thứ
Cho anh và người nào đó anh yêu.

Tháng 5-2020.


EM SẼ RỜI KHỎI KHU VƯỜN
VÀ NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG CỦA ANH

(Твой белый дом и тихий сад оставлю)

Em sẽ rời khỏi ngôi nhà màu trắng
và khu vườn vốn yên tĩnh của anh
cuộc đời này dẫu trở nên trống vắng
nhưng mỗi ngày vẫn tràn ánh bình minh

Em sẽ vẫn ngợi ca anh trong những
bài thơ mà em sẽ viết, tại sao
phụ nữ thì không được làm điều đó
nhưng còn em, anh có nhớ chút nào
một người mà anh từng yêu say đắm.

Trong mắt nàng, thiên đường anh tạo dựng
sẽ được coi là hàng hiếm vô cùng
em sẽ rao cuộc tình này để bán
cùng những gì dịu dàng nhất trong anh.

Tháng 4-2020


CHÀNG THÍCH
(Он любил)

Trên đời này có ba điều chàng thích:
Khúc nhạc chiều bên cửa sổ du dương,
Chim khổng tước có bộ lông trắng muốt
Tấm bản đồ của nước Mỹ tang thương
Bị tẩy xóa hay ố vàng cũ nát.

Chàng không thích lũ trẻ con quấy khóc,
không uống trà với mứt quả mâm xôi,
và phụ nữ
những người hay kích động

… Còn tôi từng là vợ chàng ngày trước.

Tháng 5-2020.


LẦN CUỐI CÙNG CHÚNG TÔI GẶP NHAU
(В последний раз мы встретились тогда)

Lần cuối cùng, bên bờ sông, ở đó
Nơi chúng tôi thường vẫn gặp mặt nhau.
Cuồn cuộn dâng sông Neva mùa lũ,
Nước lên nhanh khiến ai cũng lo âu.

Chàng nói chuyện về mùa hè rồi bảo
Thật buồn cười khi phụ nữ làm thơ.
Tôi nhớ mãi Hoàng cung cao lớn đó
Và pháo đài Thánh Piốt – Phaolô.

Đến không khí chúng tôi còn không có,
Thật tuyệt vời quà Thiên chúa ban cho
Và trong suốt thời gian này tôi được
Thăng hoa cùng bài thơ cuối điên rồ.

Tháng 5-2020.


ÁNH MẮT ANH
(Долгим взглядом твоим истомленная)

Ánh mắt anh nhìn chằm chằm, mệt mỏi
Bản thân em học cách thích nghi rồi.
Vì em được Chúa tạo nên từ chính
Chiếc xương sườn của anh đó, anh ơi
Làm sao em lại không yêu anh được?

Từ lâu rồi dường như là số phận,
Em trở thành người ranh mãnh, tham lam
Là cô gái luôn khiến anh vừa ý
Và giống như một nô lệ dịu dàng,
Ngọt ngào nhất của anh, này yêu dấu.

Tháng 5-2020.

ANH BÍ ẨN VÀ VẪN LUÔN MỚI MẺ
(Ты всегда таинственный и новый)

Anh bí ẩn và vẫn luôn mới mẻ,
Khiến mỗi ngày, em càng đắm say hơn
Nhưng tình yêu như sắt rèn trong lửa,
Thử thách em thật khắc nghiệt vô cùng.

Anh cấm em không được cười lẫn hát,
Bao lâu rồi chẳng cầu nguyện, nhưng em
Chỉ cần biết luôn có anh bên cạnh,
Những chuyện kia chẳng có nghĩa đâu anh!

Em cứ vậy, sống không cần ca hát,
Giữa đất trời thật xa lạ, giống như
Người đang sống giữa Thiên đàng Địa ngục
Tâm hồn em, anh lấy mất tự do.

Tháng 5-2020.

Các tin khác
Marina Ivanovna Tsvetaeva (1892–1941)

Marina Tsvetaeva là một trong số những nhà văn, nhà thơ xuất sắc nhất của Nga trong thế kỉ XX. Bà là một nhà thơ trữ tình, với niềm đam mê thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo. Các tác phẩm của Marina Tsvetaeva được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học Nga thế kỷ XX, bởi nó là dấu ấn về một biên niên sử nổi bật về thời đại và chiều sâu của thân phận con người.

Christian Johann Heinrich Heine (1797 - 1856)

Christian Johann Heinrich Heine là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học người Đức. Ông nổi tiếng với các bài thơ trữ tình và thơ của ông được phổ nhạc nhiều nhất trên thế giới, trong đó có các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Robert Schumann và Franz Schubert.

Georg Trakl (1887-1914)

Là một trong những người theo trường phái biểu hiện quan trọng nhất của Áo, Georg Trakl là nhà thơ người Áo viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất sau Rilke ở đầu thế kỷ 20. Ông được biết đến nhiều nhất với bài thơ "Grodek", bài thơ mà ông đã viết không lâu trước khi chết vì dùng quá liều cocaine.

Sergei Esenin (1895–1925)

Sergei Esenin là một nhà thơ trữ tình nổi tiếng của Nga. Chịu ảnh hưởng của truyền thống dân gian, thơ ông thể hiện một tình yêu say đắm với thiên nhiên Nga ở thời kỳ đầu sáng tác và sau này, dù theo chủ nghĩa biểu tượng nên thơ ông có hơi nặng về hình thức thể hiện, nhưng Sergei Esenin vẫn luôn có những câu thơ đẹp và tinh tế làm rung động lòng người. Các sáng tác của ông được coi là tài sản tinh quý giá của văn học Nga.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục