MARINA TSVETAEVA

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/10/2022 | 11:10:08 PM

Marina Tsvetaeva là một trong số những nhà văn, nhà thơ xuất sắc nhất của Nga trong thế kỉ XX. Bà là một nhà thơ trữ tình, với niềm đam mê thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo. Các tác phẩm của Marina Tsvetaeva được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học Nga thế kỷ XX, bởi nó là dấu ấn về một biên niên sử nổi bật về thời đại và chiều sâu của thân phận con người.

Marina Ivanovna Tsvetaeva (1892–1941)
Marina Ivanovna Tsvetaeva (1892–1941)



EM MUỐN SỐNG CÙNG ANH
(Я бы хотела жить с Вами)

Nếu như anh có thể,
anh có muốn cùng em
rời thị thành ồn ã
sống cuộc sống êm đềm,

Nơi những chiều hoàng hôn
buông đến dài mê mải
xa xa bóng tháp chuông
ngàn xưa còn vang mãi,

Quán trọ nhỏ bao năm
đồng hồ vàng quả lắc
khều từng giọt thời gian
thả rơi vào xa vắng,

Đôi khi chiều vừa sang
từ những căn gác mái
tiếng sáo ai khắc khoải
hỏi ai còn yêu ai?

Cây flute đổ dài
hắt bóng mờ bên cửa
tulip hồng rực rỡ
vàng, tím, đỏ bâng khuâng,

Anh, có lẽ là... không
nhưng cứ vờ đóng cửa
lò sưởi đã nhóm rồi
giữa căn phòng hoài cổ,

Trên mỗi ô gạch nhỏ
đều có một bức tranh
vẽ hoa hồng, tim-tiếc
hay con tàu xung quanh.

Cả căn phòng duy nhất
mỗi ô cửa trông ra
chẳng có gì ngoài tuyết
và rất nhiều bông hoa,

Anh nằm dài trên đệm
trông dáng vẻ biếng lười
em yêu anh, "my love”
mặc hững hờ, xa xôi,

Tiếng củi khô lách tách
đêm tĩnh lặng, vô tư
vệt xước dài sau gáy
chời, sắc nhọn thế ư?

Anh ra ngoài châm thuốc
run rẩy quẹt hồi lâu
lửa lập lòe cháy sáng
trên môi chàng rất lâu,

Tàn thuốc dài không vẩy
vì ai đó biếng lười
cũng chẳng thèm dụi tắt
(rồi cũng hóa tro thôi)

Anh búng tay trễ nải
điếu thuốc lá bay vèo
trúng ngay vào lò sưởi
giây lát rồi mất tiêu.

Tháng 11-2017.


EM YÊU ANH MỖI NGÀY
VÀ TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI NÀY

(Я Вас люблю всю жизнь и каждый день)

Em yêu anh mỗi ngày cho đến hết
cuộc đời này anh chắc sẽ cần em,
như chiếc bóng theo bên mình mỗi lúc,
hay giống như làn khói mỗi chiều hôm
bay lên từ các ngôi làng cực cổ.

Em yêu anh mỗi giờ cho đến hết
cuộc đời này dù chẳng đợi từ anh,
một ánh mắt hay bờ môi… kết thúc,
khi bắt đầu - mọi thứ- thiếu vắng anh.

Tháng 1-2019.
 

GỬI О.Э. МАНДЕЛЬШТАМУ
(K О.Э. Мандельштаму)

Chẳng ai lấy của ai điều gì cả
Em thấy mừng khi mình lại chia xa
Phía đầu dây điện thoại thường hay lỗi
Nên đành hôn qua trăm dặm đường xa.

Không đồng đều tài năng giữa chúng ta
Lần đầu tiên em thốt nhiên im bặt,
Derzhavin ngày trẻ chàng có nghĩ
Thơ của tôi nhiều câu rất xấu xa?

Phép báp-têm anh rửa tội trước khi
Lên chuyến bay dường như là khủng khiếp
Đại bàng trẻ, cứ bay, đừng nheo mắt
Ánh mặt trời anh chịu được phải không
Cách nhìn này có quá nặng nề không?

Thật dịu dàng, cũng không thể thoái lui
Dõi theo anh chắc không còn ai nữa
Nên đành hôn qua dặm đường xa đó
Suốt những năm điện thoại lỗi đầu dây.

Tháng 10-2018.


ANH KHÔNG CẦN PHẢI ĐAU KHỔ VÌ EM
(Мне нравится, что Вы больны не мной)

Anh không cần phải đau khổ vì em,
trong thâm tâm em nghĩ rằng nên thế,
em cũng sẽ chẳng vì anh đau khổ,
trái đất này đã đủ nặng để quay,
em muốn anh cứ vui vẻ mỗi ngày,
đừng mất "time” với trò chơi ngôn ngữ,
không đỏ mặt với chút xao động nhỏ,
nghẹt thở khi tay áo khẽ chạm nhau.

Em cũng muốn lúc ta gặp lại nhau,
người này đừng ôm người kia quá chặt,
đừng xem em như lửa trong địa ngục,
cháy bừng bừng vì không tới hôn anh,
tên của em dịu dàng lắm xin anh,
đừng dịu dàng khi gọi em như thế,
ngày lẫn đêm, dẫu là anh gọi khẽ
chúng ta không có diễm phúc đó đâu,
chẳng bao giờ mình được đứng cạnh nhau,
trong nhà thờ nghe Thánh ca chúc phúc.

Cảm ơn anh, vì sự chân thành nhất
vì những gì anh dành tặng cho em,
(điều chính anh cũng không bao giờ biết)
cảm ơn vì sự tĩnh lặng của đêm
khiến tình yêu với em giờ thanh thản,
vì hiếm khi hoàng hôn ngắm hàng giờ,
vì chúng ta không bao giờ đi dạo
dưới ánh trăng hay đón nắng cùng nhau,
vì thế mà anh chẳng cần đau khổ
bởi do em, ôi lậy các thánh thần!
và vì thế em chẳng cần đau khổ
bởi vì anh, ôi lạy Chúa! Amen!

Tháng 10-2018.

Các tin khác
Anna Akhmatova (1889–1966)

Anna Andreyevna Gorenko thường được biết đến với bút danh Anna Akhmatova. Là một nhà văn, nhà phê bình và dịch giả, Anna Akhmatova. là một trong những nhà thơ Nga quan trọng và xuất sắc nhất thế kỷ 20. Tác phẩm của Akhmatova trải dài từ những bài thơ trữ tình ngắn đến những bài có cấu trúc phức tạp, chẳng hạn như Requiem (1935–1940), kiệt tác bi thảm của bà về sự khủng bố của chủ nghĩa Stalin.

Christian Johann Heinrich Heine (1797 - 1856)

Christian Johann Heinrich Heine là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học người Đức. Ông nổi tiếng với các bài thơ trữ tình và thơ của ông được phổ nhạc nhiều nhất trên thế giới, trong đó có các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Robert Schumann và Franz Schubert.

Georg Trakl (1887-1914)

Là một trong những người theo trường phái biểu hiện quan trọng nhất của Áo, Georg Trakl là nhà thơ người Áo viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất sau Rilke ở đầu thế kỷ 20. Ông được biết đến nhiều nhất với bài thơ "Grodek", bài thơ mà ông đã viết không lâu trước khi chết vì dùng quá liều cocaine.

Sergei Esenin (1895–1925)

Sergei Esenin là một nhà thơ trữ tình nổi tiếng của Nga. Chịu ảnh hưởng của truyền thống dân gian, thơ ông thể hiện một tình yêu say đắm với thiên nhiên Nga ở thời kỳ đầu sáng tác và sau này, dù theo chủ nghĩa biểu tượng nên thơ ông có hơi nặng về hình thức thể hiện, nhưng Sergei Esenin vẫn luôn có những câu thơ đẹp và tinh tế làm rung động lòng người. Các sáng tác của ông được coi là tài sản tinh quý giá của văn học Nga.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục