THIÊN ĐƯỜNG 1

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/6/2022 | 11:11:13 PM

Địa đàng trần gian – Quả cầu lửa. Tầng khí quyển trung gian giữa trái đất và mặt trăng. Dante và Beatrice lên tới thiên đường. Dante còn nhiều nghi ngờ và nhận được lời giải thích của Beatrice về trật tự của Vũ trụ.

Tranh minh họa của Gustave Dore (Paradiso_canto I_Line 46-49)
Tranh minh họa của Gustave Dore (Paradiso_canto I_Line 46-49)

Lúc này là trưa Thứ Tư ngày 13 tháng 4 (hoặc 30 tháng 3) năm 1300.


1. Vinh quang thay Đấng tạo nên sự sống,
người xoay vần cả vũ trụ bao la,
mang ánh sáng đến nơi nhiều, nơi ít.

4. Tôi đang thấy trên Thiên đường cao nhất
rất nhiều điều mà người đã đến đây
chưa từng biết hoặc chưa ai đề cập;

7. bởi vì khi tiếp cận điều ao ước
trí tuệ ta dù sâu sắc đến đâu,
cũng rất khó nhớ ghi đầy tâm trí.

10. Tuy nhiên dù có bao nhiêu thánh quốc
tôi vẫn không ngừng học hỏi, lưu tâm,
giờ bắt đầu chủ đề tôi ghi chép.

13. Vị thần tốt Apollo, xin hãy
làm đầy thêm lòng dũng cảm của tôi,
cho nỗ lực muốn giành vòng nguyệt quế.

16. Trước đây tôi biết Heli(con) là đủ
còn bây giờ tôi cần biết cả hai
vì tôi phải hoàn thành xong chặng cuối.

19. Xin hãy truyền cho tim tôi cảm hứng
giống khi xưa ngài từng hạ Marsy(as)
rồi thiêu đốt hết lớp da của nó.

22. Hãy giúp tôi, hỡi quyền năng thần thánh
để bóng che của cõi phúc hằn sâu
không phai mờ ảnh hình trong tâm trí,

25. người sẽ thấy tôi dưới vòng nguyệt quế
được kết bằng lá cây quý người trao
với đề tài người khiến tôi xứng đáng.

28. Vì vậy mà thật hiếm khi chiếc lá
được trao cho một hoàng đế, nhà thơ
vì ham muốn tầm thường và nhỏ bé,

31. khi nhánh cây của Daphne đánh thức
mong muốn mà một ai đó khát khao
mới khiến được thần Delphi hoan hỉ.

34. Tia lửa nhỏ đôi khi làm cháy lớn:
người sau tôi biết đâu sẽ giỏi hơn
xin hãy để thần Cirra phù trợ.

37. Xuất hiện trước muôn loài trên thế giới
mặt trời soi tới các điểm khác nhau
bốn vòng tròn giao thành ba chữ thập,

40. với hướng đi dưới chòm sao tốt nhất,
nó tạo nên sự thuận lợi, sinh ra
mùa ôn hòa ảnh hưởng lên trái đất.

43. Thời điểm đó sẽ diễn ra trọn vẹn
trong một ngày, bán cầu trắng bên kia
thì bên này bán cầu đen trở lại,

46. khi tôi thấy nàng (Beatrice) quay sang trái
nhìn mặt trời ánh mắt ngó chăm chăm:
đến đại bàng cũng không nhìn như thế.

49. Một tia sáng thứ hai di chuyển tới
và tăng lên cùng một góc, giống như
người hành hương quay trở về xứ sở,

52. hành động đó được truyền đi bằng mắt,
làm nảy sinh trí tưởng tượng trong tôi,
và tôi cũng nhìn mặt trời chăm chú.

55. Ở thiên đường có thể làm nhiều thứ
mà trần gian thì không thể, là do
Chúa đã tạo một môi trường thích hợp.

58. Tôi không thể nhìn quá lâu bằng mắt,
vẫn nhận ra những tia sáng lóe lên,
như sắt nóng vừa mới ra khỏi lửa;

61. và lập tức dường như một ngày khác
được thêm vào, như thể Chúa điểm tô
mặt trời khác cho bầu trời lúc đó.

64. Beatrice vẫn ngước nhìn chăm chú
vào bánh xe thiên thể ở trên cao
còn tôi thì hướng về nàng đắm đuối.

67. Ngắm nhìn nàng, tôi thấy mình bỗng giống
Glauco, lúc ăn cỏ trên thuyền
rồi sau đó biến thành thần biển cả.

70. Dù rất khó giải thích điều kỳ lạ
về con người; nhưng ví dụ vừa nêu
đủ cho ai nhận Ơn trên trải nghiệm.

73. Tôi lúc đó thoáng giật mình ngơ ngác
Đấng yêu thương cai quản cả trời cao,
đã nâng tôi lên ngang tầm ánh sáng.

76. Khi thiên thể theo ý Ngài chuyển động
vĩnh cửu xoay, được thiết lập hài hòa
tôi dõi theo sự điều phối tài ba,

79. khi khoảng không lúc này dường rực sáng
bởi mặt trời, dẫu sông lớn hay mưa
cũng không thể có cái hồ như thế.

82. Sự mới lạ của âm thanh, ánh sáng
quá tuyệt vời khiến khát vọng trong tôi
phải tìm ra nguyên nhân nào dẫn đến.

85. Hiểu rõ tôi như cùng chung máu thịt,
để trấn an sự quá khích, lúc này
nàng lên tiếng trước khi tôi định nói,

88. "Đừng phóng đại những điều chàng đã thấy”,
nàng nói ngay, "hãy rũ bỏ trước khi
trí tưởng tưởng khiến chàng sai lầm tiếp.

91. Đừng nghĩ chàng vẫn ở trên mặt đất;
sét trên kia có phóng xuống cũng không,
nhanh bằng chàng đang tiến về nơi đó”.

94. Tôi gỡ được điểm hoài nghi thứ nhất
nhờ nụ cười, lời thuyết giảng dễ thương,
song lại vướng vào một nghi ngờ khác,

97. "Thật mãn nguyện khi nghe nàng giải thích,
nhưng còn tôi vẫn thấy rất ngạc nhiên;
bằng cách nào tôi vượt thoát lên trên”.

100. Nàng thở dài, ý chừng như thương hại,
khi nhìn tôi với ánh mắt xót thương
như bà mẹ nhìn đứa con khờ dại,

103. rồi nói rằng: "Vạn vật đang hiện hữu
đều tuân theo một trật tự, ví như
vũ trụ này được tạo ra bởi Chúa.

106. Các sinh vật bậc cao theo thứ tự
được nhận ra nhờ dấu ấn thiêng liêng,
mục đích đó muôn loài đều hướng tới.

109. Các tạo vật đều hướng về Thiên chúa;
khuynh hướng này là bản chất, ngoài ra
tùy mục đích chúng hướng theo nhiều cách;

112. như con sóng giữa đại dương bát ngát
chúng cập vào các bờ bãi khác nhau,
theo bản năng cùng mục tiêu của chúng.

115. Bản năng khiến lửa bốc lên bay đến
tận mặt trăng; là động lực trái tim;
nó kết nối và giữ yên trái đất;

118. tình trạng này nói chung là phổ biến
không chỉ cho những tạo vật vô tri,
mà dành cho cả những người lý trí.

121. Chúa sắp xếp và an bài tất cả
ngài tạo nên ánh sáng ở thiên đường
bên trong nó chuyển động luôn nhanh nhất;

124. và bây giờ đó là nơi kết thúc,
để chúng ta nhờ sức mạnh dây cung
đưa đến nơi luôn ngập tràn hằng phúc.

127. Cũng đúng thôi, nhưng đôi khi hình thức
không tương đương với ý định ban đầu
bởi vật chất không thể nào đáp ứng,

130. do đó mà đường đi thường chệch hướng
vì bản năng, và ý chí tự do
dù đã chọn được con đường đi tốt;

133. và giống như chớp từ mây giáng xuống
chúng ta đều có khuynh hướng tự nhiên
bị thu hút bởi phù du, của cải.

136. Vì vậy mà nếu như ta hiểu đúng,
chàng lên đây, đừng vội thán phục mình
chỉ là sông từ trên cao chảy xuống.

139. Rất ngạc nhiên, nếu ở trên mặt đất
mà chàng không như ngọn lửa bốc lên,
cứ im lìm mãi ở chốn đất đen”.

142. Nàng nói xong ngẩng nhìn trời cao vút.




Chú thích: 1
1. Đấng tạo nên sự sống: ám chỉ quyền năng của Thiên Chúa hay còn gọi là Đấng toàn năng.
+ Nguyên văn "người di chuyển mọi thứ” (tutto move).
4. Thiên đường cao nhất: ý nói Empyrean Heaven
+ Trong vũ trụ học cổ đại, trái đất được cho là trung tâm của vũ trụ, còn Mặt Trời và các thiên thể khác quay quanh nó. Vì vậy, tính từ trái đất, theo Mô hình của thuyết địa tâm (được coi là hình mẫu tiêu chuẩn thời Hy Lạp cổ đại, được cả Aristotle và Ptolemaios, cũng như đa số các nhà triết học Hy Lạp đồng thuận), người ta sẽ thấy 9 tầng trời quay quanh trái đất, lần lượt là Mặt Trăng, Mặt trời, Sao Kim, Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, các ngôi sao cố định (định tinh) và tầng cuối cùng là Empyrean, được cho là bị chiếm giữ bởi nguyên tố lửa hoặc aether theo triết học tự nhiên của Aristotle.
+ Empyrean được tính là tầng trời (Heaven) cao nhất vì từ này bắt nguồn từ empyreus trong tiếng Latinh thời Trung cổ, một sự chuyển thể của empyros trong tiếng Hy Lạp cổ đại (ἔμπυρος), có nghĩa là trong hoặc trên ngọn lửa (pyr). Do đó, Empyrean được sử dụng là tên gọi cho sự kiên cố. Trong văn học Cơ đốc giáo, đây là nơi ở của Đức Chúa trời, các thiên thể được ban phước lành đến mức thần thánh, bởi chúng được tạo ra từ nguồn sáng tinh khiết, và các tạo vật của Empyrean.
13. Ở thời cổ đại, Apollo được coi là người dẫn đường và khơi nguồn cảm hứng thi ca cho các nhà thơ, những người thực sự vĩ đại khi nhận được vòng nguyệt quế từ Apollo. (Theo thần thoại Hy Lạp và Ovid – Metarmophoses I, 452)
14. Ý nói, thần Apollo hãy cổ vũ cho Dante để nhà thơ có đủ lòng dũng cảm đi hết hành trình cuối cùng này.
+ Nguyên văn: fammi del tuo valor sì fatto vaso, (tôi cảm phục lòng dũng cảm của thần, vì vậy hãy làm cho tôi một cái bình)
Cái bình ở đây ám chỉ thánh Paul, người được gọi là "vas electionis”, tức là "cái bình được (Chúa) lựa chọn” khi Paul dù còn sống nhưng vẫn được phép đi sang thế giới bên kia.
16-18. Ý nói, dãy Parnaso có hai đỉnh là Helicon (hay Nisa) và Cirra, thì đỉnh đầu tiên đã bị các Muses chiếm giữ, và thần Apollo chiếm đỉnh còn lại. Tức là điều này ám chỉ rằng: Đỉnh Helicon đại diện cho triết học, là khoa học liên quan đến con người - Và Đỉnh Cirra đại diện cho thần học, là khoa học liên quan đến thần thánh.
+ Nếu ở Địa ngục và Luyện ngục, Dante chỉ kêu gọi các Muses giúp đỡ, thì khi đến Thiên đường, ông phải nhờ đến cả vị thần ngoại giáo Apollo; bởi vì chủ đề của chặng đường cuối cùng (Thiên đường) quá cao siêu (câu 4-6) khiến Dante không thể tự mình ghi nhớ hết những gì mình thấy (câu 7-9).
Helicon là một đỉnh thuộc dãy Parnaso ở miền trung Hy Lạp. Theo thần thoại, ngọn núi này rất linh thiêng đối với Dionysus cũng như Apollo và các tiên nữ Corycian; đây cũng là quê hương của các Muses. Có ý kiến cho rằng cái tên này bắt nguồn từ parnassas, tính từ sở hữu của từ parna trong tiếng Luwian có nghĩa là ngôi nhà, hay cụ thể là ngôi đền, vì vậy tên của dãy núi này có nghĩa là "ngôi nhà của các vị thần linh”.
Vào thời Trung cổ, niềm tin sai lầm được chứng thực bởi Isidore of Seville, Etym ., XIV, 8, khi cho rằng Parnaso có hai đỉnh, Helicon của các Muses, thiên thần về nghệ thuật, và đỉnh Citerone của thần Appollo, trong khi thực tế Helicon lại gắn với một liên kết khác.
20-21. Marsyas là một vị thần (Satyr) trong thần thoại Hy lạp và cũng là nhân vật chính trong một câu chuyện của Ovid (Metarmophoses VI, 382 ff.), Marsyas thách thức Apollo trong một cuộc thi âm nhạc và sau khi thua cuộc, Marsyas đã bị thần Apollo thiêu sống.
28-30. Ám chỉ sự suy tàn của thời đại, trong đó rất ít hoàng đế hoặc nhà thơ khao khát đạt được vòng nguyệt quế, một biểu tượng của vinh quang, bởi vì họ ham muốn những thứ phù du như của cải nơi trần thế.
31. Trong thần thoại Hy lạp, Daphne là một tiên nữ, con gái của thần sông Peneus. Khi được Appollo tỏ tình, Daphne vì quá sợ hãi tới mức bỏ chạy và cuối cùng thì biến thành cây nguyệt quế.
33. Apollo là vị thần đa tình và rất được tôn kính vào thời cổ đại ở Delphi, vì vậy đây cũng là một cách gọi ám chỉ Apollo.
+ Sau khi chứng kiến nàng Daphne biến thành cây nguyệt quế, thần Appollo than rằng: từ nay trở đi chỉ những ai giành được chiến thắng mới được đội vòng nguyệt quế trên đầu.
36. Cirra là một thành phố kết nối với Delphi trên Vịnh Corinth, vì vậy đây cũng là cách gọi ám chỉ Apollo.
37-39. Bốn vòng tròn: Một là cung Hoàng đới: bao gồm dải thiên cầu nằm hai bên hoàng đạo, chứa mười hai chòm sao mà Mặt trời đi qua trong vòng một năm; Hai là đường chân trời của Jerusalem và Luyện ngục; Ba là vòng tròn xích đạo, và Bốn là vòng kinh tuyến.
+ Ý nói, vào thời điểm Dante bắt đầu cuộc hành trình vào cõi thiên đường, vì lúc này mặt trời đang ở điểm xuân phân, nên bốn vòng tròn trên sẽ giao nhau tại ba điểm và ba điểm này tạo thành hình giống như chữ thập.
+ Các nhà chú giải cổ đại cho rằng: bốn vòng tròn này là biểu tượng cho bốn nhân đức chính yếu, còn ba chữ thập tượng trưng cho ba nhân đức thần học. Sự kết hợp này có khuynh hướng chào đón sự cứu rỗi đến từ Thiên Chúa, được nhà thơ chỉ ra dưới ẩn dụ là Mặt trời.
40. Chòm sao tốt nhất: ý nói chòm sao Bạch dương khi mặt trời lập điểm phân đỉnh.
43. Ám chỉ giờ mất của Chúa Jesus, "người cao quí nhất trong tất cả đã chết” (Convivio IV, XXIII, 15).
+ Tuy nhiên, một số nhà chú giải lại cho rằng, thời khắc này là bình minh vì cho rằng nhà thơ không thể đến sông Lethe và Eunoe trước buổi trưa được (xem Luyện ngục 33), bởi đây là Địa đàng trần gian, nơi phải chờ 18 tiếng sau mới sống lại.
44. Bán cầu trắng: ý nói ban ngày ở bán cầu Nam, nơi có mặt trời đang chiếu xuống.
45. Bán cầu đen: ý nói ban đêm ở bán cầu Bắc.
46-47. Ý nói, lúc này Dante và Beatrice đang ở bán cầu Nam và quay mặt về phía đông, nơi họ nhìn thấy mặt trời ở bên trái ; trong khi ở bán cầu Bắc, chúng ta sẽ thấy mặt trời ở bên phải.
+ Theo các nhà bình luận, hành vi ngó mặt trời chăm chú của Beatrice mang ý nghĩa dự đoán sự kiện phi thường sắp xảy ra và cầu xin sự đồng ý (của Chúa trời) thông qua giao tiếp bằng ánh mắt (thân mật và bí ẩn).
51. Các "pelegrin” trong câu này có thể là người hành hương trở về xứ sở của mình, nhưng cũng có thể là chim ưng (peregrine).
61-63. Sự gia tăng của ánh sáng chỉ ra rằng Dante đang tiến đến quả cầu lửa, nơi ngăn cách giữa thiên đường với bầu khí quyển.
67-69. Glauco là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Ông vốn một người phàm và là một ngư dân ở thành phố Antedone. Một ngày nọ, ông bắt chiếc những con cá của mình (sau khi ăn một loại thảo mộc nào đó đã sống lại) và Glauco cũng trở nên bất tử. Tuy nhiên chân tay ông lại biến thành vây và có đuôi như cá, nên Glauco buộc phải sống ở biển mãi mãi.
(Trong Metamorphoses của Ovid XIII, 898-968 cũng có chuyện tương tự như vậy về Glauco. Người đánh cá Boeotia Glaucus, thấy con cá mà mình bắt được, đã ăn một loại cỏ khiến chúng nhảy trở lại mặt nước. Glaucus cũng làm theo và biến thành một sinh vật sống dưới nước).
+ Ví dụ này ám chỉ việc Dante thấy mình cũng trở nên siêu phàm (vượt ra khỏi giới hạn của con người) giống như Glauco bỗng trở nên bất tử (thần thánh).
70-72. Ý nói, hành động vượt lên trên giới hạn của con người không thể diễn tả được bằng lời nói; do đó, ví dụ trên là đủ cho những ai nhận được ân sủng thiêng liêng để thử trải nghiệm này.
73. Ý nói, tại thời điểm này, Dante vẫn không biết là mình đang sở hữu cơ thể phàm trần hay là một linh hồn. Hình ảnh (so sánh) này dường như được trích dẫn một phần từ Kinh thánh (II Corinthians XII, 2-3).
74. Đấng yêu thương: ý nói Chúa trời (God)
76-78. Ý nói, khi chuyển động xoay tròn của các Thiên thể, Chúa tạo ra sự vĩnh cửu với mong muốn các bánh xe thiên thể đến gần, thu hút sự chú ý với sự hài hòa mà Chúa điều chỉnh và thiết lập,
91-92. Địa điểm mà từ đó sấm sét thoát ra chắc chắn là từ quả cầu lửa, hướng mà Dante tiếp cận.
+ Theo vũ trụ học truyền thống, cấu trúc thế giới hình thành bởi bốn cấp độ cơ bản: không khí, nước, đất và lửa, Aristotle tiếp nối Empedocles đã chia vùng đất dưới mặt đất thành bốn hình cầu (hoặc các khu vực có liên quan), sắp xếp theo thứ tự cao dần lên bắt đầu từ đáy, là đất - nước sau đó là không khí , và cao nhất là ngọn lửa, bằng chứng là ngọn lửa của quả cầu đó luôn có xu thế hướng lên một cách tự nhiên, và bị thu hút vào nơi thân thiết nhất với chúng.
Vì vậy, quả cầu lửa chính là nơi ngăn cách giữa bầu trời và thế giới bên dưới mặt trăng (subluna), thiên thể quay chậm nhất và ở gần trái đất nhất. Nhờ có ngọn lửa luôn có xu thế hướng lên một cách tự nhiên, mà Dante và Beatrice mới có thể đi từ trái đất lên Thiên đường,
+ Ở đây, quả cầu lửa không chỉ là một địa điểm thiên văn, ngăn cách thế giới ngẫu nhiên khỏi thế giới bất diệt và vĩnh cửu, mà còn là một trạng thái ý thức cao hơn và tinh tế hơn cả cõi trần gian . Do đó, các minh họa thời Trung cổ và Phục hưng về quả cầu lửa (và ngọn lửa có thể nhìn thấy) được hiểu với niềm tin nhất quán rằng người ta có thể thực sự nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của ngọn lửa trên không trung).
93. Nguyên văn: come tu ch’ad esso riedi (như bạn trở lại với nó - ý nói nơi sét vừa phóng ra).
99. Ý nói, Dante cảm thấy kinh ngạc vì không hiểu bằng cách nào mà mình có thể vượt qua những vật thể nhẹ như lửa và không khí. (com’ io trascenda questi corpi levi). Tuy nhiên, Lực hấp dẫn tác động lên con người đã được Dante giải thích trong Convivio III, III, 6.
106. Sinh vật bậc cao: ý nói con người và thiên thần.
115. Ý nói bản năng khiến lửa bốc lên theo bản chất của nó
116. Đại ý: những thứ này –bản năng– là động lực trong trái tim người phàm;
117. Ý nói bản năng khiến trái đất bị hút vào trung tâm của vũ trụ.
121. Nguyên văn: La provedenza (Chúa quan phòng).
123. Ý nói, thiên đường thứ chín Primo Mobile trong Empyrean Heaven luôn quay rất nhanh, vì ở gần Chúa nhất.
127-129. Ý nói, đôi khi sinh vật không ủng hộ sự thôi thúc này và đi chệch khỏi đường đi tự nhiên của mình bởi ý chí tự do của nó;
133-135. Ý nói, cũng giống như việc người ta có thể nhìn thấy tia sét phóng ra từ một đám mây, vì vậy bản năng tự nhiên có thể khiến con người bị thu hút bởi của cải trần gian nhưng đây cũng chỉ là thú vui giả tạo vì của cải trần gian sẽ lại rơi xuống địa ngục giống như tia sét rời khỏi đám mây, rơi xuống mặt đất.

Các tin khác
Piccarda Donati, bị bắt cóc từ tu viện Santa Chiara theo lệnh của người anh trai, Corso _Tranh của Raffaello Sorbi (Firenze1844-1931)_

Vẫn ở vùng trời thứ nhất: Thiên đường Mặt trăng. Dante gặp gỡ những linh hồn được ban phước nhưng đã không thực hiện lời thề của họ; trong số này có Piccarda Donati, em gái của Forese. Cô bị bắt cóc và bị cưỡng bức rời khỏi tu viện, còn Hoàng hậu Constance cũng có số phận tương tự.

Tranh minh họa của Gustave Dore (Paradiso_canto II)

Vùng trời thứ nhất: Thiên đường Mặt trăng. Nơi cư trú của những linh hồn có đủ đức hạnh và phẩm chất để lên thiên đàng nhưng do không kiên định, bất tín với lời thề nên không thể lên thiên đàng cao hơn. Lời cảnh báo của Dante tới độc giả. Sự trỗi dậy của Dante và Beatrice trên Thiên đường đầu tiên (Mặt trăng). Beatrice bác bỏ ý kiến của Dante về các đốm mặt trăng và giải thích nguồn gốc thực sự của chúng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục