THƠ CỔ TRUNG HOA

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 7:10:33 PM

Đỗ Mục - Lưu Chương - Nguyên Hiếu Vấn - Lý Bạch - Thi Nhuận Chương - Bạch Cư Dị

Tranh thuỷ mặc _ ảnh sưu tầm, không rõ tác giả
Tranh thuỷ mặc _ ảnh sưu tầm, không rõ tác giả



MỒ CHIM NHẠN
Nguyên Hiếu Vấn (1190-1257)


Hỏi thế gian kia tình là chi?
mà thề sống chết chẳng chia ly,
lữ khách trời nam rồi biển bắc
mỏi cánh bay ngồi nhớ những khi,

hương nồng ấm lạnh bên nhau trải
vui vầy hoan lạc; khổ đau chia,
tình si ngơ ngẩn vì nhi nữ,
một lời hứa vội lúc ra đi,

giờ đã mịt mù xa vạn dặm,
trập trùng mây xám tử-sinh ly
tuyết chiều trắng xóa ngàn non vắng,
lẻ bóng ta về đâu mỗi khi.

*
Ngang bước sông Phần trông cảnh vật
bốn bề tĩnh mịch nhớ năm xưa,
tiếng trống âm vang bình quân Sở,
khói hoang ngày đó vẫn lững lờ,

"Chiêu hồn” nước Sở, nay còn kịp
khóc ròng "Sơn quỷ” gió mưa tuôn,
trời cũng hờn ghen? không tin được!
yến oanh rồi đất cũng vùi chôn,

mối sầu vạn cổ lưu truyền mãi,
đợi người thơ đến hát lúc say,
đau khổ, cuồng điên rồi tìm tới
mồ chôn nhạn cũ ở chốn này.

Tháng 2-2019.

Ghi chú:
Nguyên Hiếu Vấn là một danh sĩ đời Liêu-Kim. Có lần đi chơi qua sông Phần, Hiếu Vấn gặp một con nhạn yếu sức rơi xuống và chết bên đường. Ông bèn đắp cho con nhạn một nấm mộ. Năm sau đi qua chốn cũ, nhớ lại chuyện xưa nên làm bài từ này.
+ "Chiêu hồn” là một bài thơ được Khuất Nguyên viết sau khi nghe tin Sở Hoài Vương chết trên đất Tần.
+ "Sơn quỷ” là một trong số 11 bài dân ca của nước Sở được người đời sau cải biên từ những bài thơ của Khuất Nguyên trong tập Cửu ca.
+ Yến oanh (hoặc yến anh) là chim yến/én và chim hoàng oanh/ vàng anh. Đây là từ Hán Việt chỉ đôi lứa khá phổ biến trong văn chương cổ.


ĐI ĐƯỜNG NÚI
Đỗ Mục (803- ?)

Hàn sơn, đường dốc lối chênh vênh,
giữa chốn mây giăng trắng bồng bềnh,
nhà ai thấp thoáng
chiều thu muộn,
say cảnh rừng phong lá nhuốm sương,
còn thắm hơn hoa giêng hai nở
dừng xe đứng ngắm ở bên đường.

Tháng 10 -2019.


LÊN NÚI
Lưu Chương (162-219)

Tìm thi hứng ngày thu
Lên núi đường đá dốc,
Không người hướng đạo mình
Đành chuyện cùng hoa cúc,
Vàng suốt dọc đường đi.

Tháng 10 – 2019.


QUA NÚI
Thi Nhuận Chương (1618-1683)

Trời ngừng mưa gió, chùa bên núi
Cây sạch bụi trần ngắm chiều trôi,
Cuối xuân vãn cảnh người không thấy,
Đường tùng lặng lẽ cánh hoa rơi.

Tháng 10 -2019.


CẢM NGHĨ TRONG ĐÊM YÊN TĨNH

Lý Bạch (701-762)

Bên giếng trăng vằng vặc,
Đất bằng ngỡ đâu sương,
Ngước nhìn vầng trăng sáng
Chạnh lòng nhớ cố hương.

Tháng 11-2019.

Ghi chú:
+ Nhiều bản dịch khác hiểu "Sàng” (床) trong bài thơ này là "giường ngủ”.
+ Chạnh lòng: Nguyên văn "đê đầu” (cúi đầu)


BẾN TẦN HOÀI
Đỗ Mục (803- ?)

Đêm thâu thuyền đậu bến Tần Hoài,
Trăng mờ trên cát đợi thuyền ai
Khỏi tỏa trên sông hơi nước lạnh,
Quán rượu không xa, cạnh thuyền chài.

Cô gái chắc là còn trẻ lắm,
Khuya rồi vẫn hát "Hậu đình hoa”
Vô ưu chẳng hiểu sao mất nước
Bên kia sông vẫn vẳng tiếng ca.

Tháng 11-2019.

Ghi chú:
Bài thơ này còn có tên gọi khác là Dạ bạc Tần Hoài (Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài)
+ Hậu Đình Hoa là một khúc hát được phổ từ tập thơ cùng tên của Trần Thúc Bảo, ông vua cuối cùng của nhà Hậu Trần thời Nam Bắc triều (420- 587) Trung Quốc.
Khúc Hậu Đình Hoa nổi tiếng vì có những ca từ tình tứ du dương nhất, và thường được hát trong các buổi yến tiệc linh đình. Vì quá say mê người đẹp và những cuộc vui chơi trác táng vô độ nên Trần Hậu chủ đã để mất nước. Vì vậy khúc Hậu Đình Hoa được người đời sau gọi là khúc ca vong quốc.
+ Vô ưu: Không nghĩ ngợi lo buồn gì (Từ điển Hán-Nôm)


BUỔI TỐI CÓ BẠN ĐẾN THĂM
Bạch Cư Dị (772-846)

Trên thềm gió mát đem trải chiếu,
Dưới gốc thông ngồi có rượu, trăng
Thanh nhàn rốt cuộc là như thế,
Huống còn có bạn cũ đến thăm.

Tháng 11-2019.


NGẮM THÁC HƯƠNG LÔ
Lý Bạch (701-762)

Nắng tỏa Hương Lô, làn khói tím
xa xa, thác nước tựa như treo
phía trước dòng sông bay thẳng xuống
từ ba nghìn thước,
ngỡ sông Ngân
trên chín tầng mây đang rơi xuống.

Tháng 11-2022.

Các tin khác
Marina Ivanovna Tsvetaeva (1892–1941)

Marina Tsvetaeva là một trong số những nhà văn, nhà thơ xuất sắc nhất của Nga trong thế kỉ XX. Bà là một nhà thơ trữ tình, với niềm đam mê thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo. Các tác phẩm của Marina Tsvetaeva được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học Nga thế kỷ XX, bởi nó là dấu ấn về một biên niên sử nổi bật về thời đại và chiều sâu của thân phận con người.

Anna Akhmatova (1889–1966)

Anna Andreyevna Gorenko thường được biết đến với bút danh Anna Akhmatova. Là một nhà văn, nhà phê bình và dịch giả, Anna Akhmatova. là một trong những nhà thơ Nga quan trọng và xuất sắc nhất thế kỷ 20. Tác phẩm của Akhmatova trải dài từ những bài thơ trữ tình ngắn đến những bài có cấu trúc phức tạp, chẳng hạn như Requiem (1935–1940), kiệt tác bi thảm của bà về sự khủng bố của chủ nghĩa Stalin.

Christian Johann Heinrich Heine (1797 - 1856)

Christian Johann Heinrich Heine là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học người Đức. Ông nổi tiếng với các bài thơ trữ tình và thơ của ông được phổ nhạc nhiều nhất trên thế giới, trong đó có các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Robert Schumann và Franz Schubert.

Georg Trakl (1887-1914)

Là một trong những người theo trường phái biểu hiện quan trọng nhất của Áo, Georg Trakl là nhà thơ người Áo viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất sau Rilke ở đầu thế kỷ 20. Ông được biết đến nhiều nhất với bài thơ "Grodek", bài thơ mà ông đã viết không lâu trước khi chết vì dùng quá liều cocaine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục