SULLY PRUDHOMME

  • Cập nhật: Chủ nhật, 21/8/2022 | 10:47:53 PM

Sully Prudhomme là một nhà thơ người Pháp và là thành viên của Viện Hàn lâm Pháp; ông cũng là người đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel Văn học.

Sully Prudhomme (1839 - 1907)
Sully Prudhomme (1839 - 1907)



CHIẾC BÌNH NỨT
(Le vase brisé)

Mã tiên thảo cắm trong bình đã héo
Vì chiếc bình đã rạn nứt;
Ôi chao !
Tại chiếc quạt đụng hồi nào không rõ:
Dù chẳng nghe tiếng va chạm ồn ào.

Còn vết nứt tuy mảnh mai nhưng nó
Ngày qua ngày từng chút một, lan nhanh
Như vô hình nên chẳng ai hay biết
Rồi chiếc bình cũng rạn hết xung quanh.

Khiến từng giọt nước mát lành trong đó
Cứ vơi dần, hoa thiếu nước, khô đi;
Nào ai ngờ chiếc bình kia đã nứt;
Chớ cầm lên, nó vỡ vụn tức thì.

Có nhiều lúc tay người ta yêu quý,
Chạm vào tim, làm ta bỗng nhói đau;
Rồi sau đó trái tim ta rạn nứt,
Hoa tình yêu cũng héo úa, nhạt màu;

Thế giới này vẫn vẹn nguyên như trước,
Nhưng vết thương rất mỏng đã ăn sâu
Ta bật khóc và biết mình đã lớn;
Bình nứt rồi, đừng chạm nữa, tim đau.

Tháng 8-2021.

Ghi chú:
1. Mã tiên thảo: nguyên văn "verveine” (cỏ roi ngựa)
6. Lan ra: nguyên văn " le cristal” (tinh thể), ý nói vết nứt giống như các tinh thể ăn mòn (muối, đường) hoặc làm rạn nứt chiếc bình từ từ như tuyết tan.
8. Rồi… loang ra: nguyên văn "En a fait lentement le tour.” (từ từ dạo chơi xung quanh nó)
12. Chớ cầm lên: nguyên văn " N’y touchez pas” (đừng chạm vào nó)
12. nó sẽ chẳng còn gì: nguyên văn il est brisé (nó/đã vỡ tan).


GIỐNG NHAU
(Ressemblance)

Em muốn biết khởi đầu bao thương mến
Từ nơi anh xuất phát điểm từ đâu.
Lý do là anh yêu em, bởi thấy
Tuổi thanh xuân chúng mình quá giống nhau.

Đôi mắt huyền thường đẫm lệ buồn đau
Phút tuyệt vọng và khi đầy hy vọng
Ngay cả lúc nhìn em ngồi mơ mộng:
Cũng giống anh thủa mười tám đôi mươi.

Như được làm bằng cẩm thạch tinh khôi
Những tạo tác dưới thời kỳ Hy Lạp
Màu trắng sáng giữa màu xanh bát ngát:
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.

Mỗi ngày qua anh vẫn ở bên em
Để dâng hiến tình yêu anh chan chứa.
Nhưng em vẫn bỏ đi như em muốn,
Giống hệt anh những ngày tháng xa xưa.

Tháng 8-2021.

Ghi chú: Các câu 4, 8, 12, 16: nguyên văn "Vous ressemblez à ma jeunesse” (Em giống như thời thanh xuân/tuổi trẻ của tôi.)
10. Ý nói những bức tượng được điêu khắc bằng đá ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại.
+ Tượng điêu khắc của người Hy Lạp thường tập trung vào các nét đẹp hình thể của con người, biểu lộ sự khát khao vươn tới cái hoàn hảo, toàn mỹ của nghệ sĩ và con người Hy Lạp.
Nguyên văn " Votre tête est de marbre pur”: chân dung em (phần đầu của em/ Votre tête) như đá cẩm thạch tinh khiết/ nguyên chất.
14. nguyên văn: tình yêu đang dồn nén trong anh (l'amour qui m'oppresse.)


GIỌT SƯƠNG
(Rosées)

Tôi nằm mơ, thấy sương mờ phủ trắng
Miền đồng bằng trông tựa ngọc châu sa
Trong màn đêm lặng lẽ buông mát lạnh
Như bàn tay bao bọc cả triền hoa.

Những giọt sương long lanh đến từ đâu?
Trời không mưa, chẳng mây mù vần vũ;
Trước khi ngươi biến thành sương, nước đã
Bốc hơi vào trong không khí từ lâu.

Lệ tuôn trào không biết chảy từ đâu?
Trong đêm tối lửa thấu trời rực sáng;
Trong tâm hồn nước mắt tôi nhòa ướt
Trước khi từ hai khóe mắt ứa ra.

Sự yếu mềm trong tim mỗi chúng ta
Nơi tất cả mọi đớn đau sợ hãi,
Và đôi khi được yêu thương cũng vậy
Hạnh phúc làm nước mắt bỗng trào ra.

Tháng 9-2021.

Ghi chú:
2. Ngọc châu: nguyên văn ‘perle’ (ngọc trai)
4. Triền hoa: nguyên văn ‘fleurs posée’ (những bông hoa màu mè/đang làm dáng)
5. Long lanh: nguyên văn ‘Tremblents’ (những lo sợ, run rẩy).
6. Chẳng mây mù vần vũ: nguyên văn ‘le temps est clair’ (bầu trời quang đãng)
16. Hạnh phúc: nguyên văn ‘trouble’ (disturble) = xáo động, bối rối
+ trào ra : nguyên văn ‘germer’ (nảy mầm, sinh ra)


CHIM THIÊN NGA
(Le cygne)

Dưới gương hồ, nước sâu và tĩnh lặng,
Không ồn ào thiên nga dỡn đuổi theo
Làn sóng nhỏ, đôi cánh xòe trắng muốt,
Và lướt đi. Với cái bóng tựa như
Tuyết tháng tư đang rơi vào trong nắng;

Nhưng, mạnh mẽ và trắng mờ lấp lánh
Trong gió Tây, đôi cánh lớn giương lên
Như con tàu chầm chậm đi. Cái cổ,
Ngẩng cao nhìn đám lau sậy xung quanh
Rồi lặn xuống, dạo chơi trên mặt nước.

Đường cong uốn duyên dáng như mặt cắt
Của loài cây acanthus, giấu đi
Cái mỏ với phần viền đen của nó,
Trên lớp lông cổ trắng muốt, đôi khi
Nó lại bơi dọc hàng thông xanh biếc.

Mặc cơn gió cứ hiu hiu thổi suốt,
Và phía sau cỏ dày mượt giống như
Bộ lông nó mang trên mình, chậm chạp
Lãng đãng bơi vì nó chẳng vội gì
Nên thoải mái làm những điều nó thích.

Phía cửa hang nhà thơ dường phấn khích
Nước nguồn về hay tiếng khóc, âm thanh
Chỉ riêng có mình nhà thơ cảm nhận
Và tò mò, khi chúng bỗng bặt tăm,
Bèn ngồi ngóng, liễu rơi đầy vai áo.

Đôi lúc nó bị đẩy ra biển lớn,
Xa cánh rừng chiều dần xuống tối đen,
Nó dũng cảm lại bơi về chốn cũ,
Nơi chân trời vẫn hừng những sắc xanh,
Nó đã chọn nơi đây vì ngưỡng mộ
Và tụng ca sự trong trắng của mình,
Nơi ánh nắng luôn chói chang phản chiếu.

Khi bờ hồ đã chìm vào bóng tối
Thời điểm mà mọi hình khối bỗng nhiên
Nhìn rối ren với rất nhiều ám ảnh
Đường chân trời thi thoảng lại ánh lên
Vài sọc đỏ dưới nền trời nâu sẫm,

Khi cỏ lác và lay ơn bất động,
Tiếng ếch kêu trong đêm vắng thanh bình
Vậy cứ để dưới ánh trăng, đom đóm
Được lập lòe và tỏa sáng cùng trăng

Trong hồ tối, chim thiên nga phản chiếu
Vẻ huy hoàng và rực rỡ của đêm
Màu trắng sữa, pha với màu đỏ tía
Giống chiếc bình bằng bạc giữa kim cương,
Đang nằm ngủ, đầu gối lên hai cánh,

Tháng 8-2021.

https://www.facebook.com/profile.php?id=100009541032653

Các tin khác
Marina Ivanovna Tsvetaeva (1892–1941)

Marina Tsvetaeva là một trong số những nhà văn, nhà thơ xuất sắc nhất của Nga trong thế kỉ XX. Bà là một nhà thơ trữ tình, với niềm đam mê thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo. Các tác phẩm của Marina Tsvetaeva được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học Nga thế kỷ XX, bởi nó là dấu ấn về một biên niên sử nổi bật về thời đại và chiều sâu của thân phận con người.

Anna Akhmatova (1889–1966)

Anna Andreyevna Gorenko thường được biết đến với bút danh Anna Akhmatova. Là một nhà văn, nhà phê bình và dịch giả, Anna Akhmatova. là một trong những nhà thơ Nga quan trọng và xuất sắc nhất thế kỷ 20. Tác phẩm của Akhmatova trải dài từ những bài thơ trữ tình ngắn đến những bài có cấu trúc phức tạp, chẳng hạn như Requiem (1935–1940), kiệt tác bi thảm của bà về sự khủng bố của chủ nghĩa Stalin.

Christian Johann Heinrich Heine (1797 - 1856)

Christian Johann Heinrich Heine là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học người Đức. Ông nổi tiếng với các bài thơ trữ tình và thơ của ông được phổ nhạc nhiều nhất trên thế giới, trong đó có các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Robert Schumann và Franz Schubert.

Georg Trakl (1887-1914)

Là một trong những người theo trường phái biểu hiện quan trọng nhất của Áo, Georg Trakl là nhà thơ người Áo viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất sau Rilke ở đầu thế kỷ 20. Ông được biết đến nhiều nhất với bài thơ "Grodek", bài thơ mà ông đã viết không lâu trước khi chết vì dùng quá liều cocaine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục