OLGA BERGOLTZ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/9/2022 | 10:37:43 PM

Olga Fyodorovna Bergoltz (1910–1975) là một nữ nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Liên xô (cũ). Bà nổi tiếng với những tác phẩm sáng tác trong thời kỳ Leningrad bị bao vây.

Olga Bergoltz (1910-1975)
Olga Bergoltz (1910-1975)

ANH THÂN YÊU NHỮNG ĐIỀU NÀY KHÔNG ĐÚNG
(Это всё не правда, ты-любим)

Anh thân yêu, những điều này, không đúng
sự thật là anh mãi thuộc về em
trong vòng tay ôi này người yêu dấu,
em sẽ không tha thứ chuyện gì đâu
cũng sẽ chẳng rời xa anh, thật đấy!

Anh đừng cố đẩy em ra xa mãi
cho dù anh có giận dữ buồn đau
bởi em biết con đường này gai góc
đừng giấu em, anh chẳng biết được đâu
em có thể đi cùng anh mãi mãi,
trên con đường anh chọn dẫu chông gai.

Tháng 9-2018.


GIAO MÙA
(Бабье лето)

Có khoảnh khắc thiên nhiên đầy kỳ lạ,
mặt trời không còn chói lóa, oi nồng,
hè sắp cạn, còn thu thì đang chớm,
nắng mơ màng, lòng thơ thới như xuân.

Tơ nhện bay phơ phất mỏng manh giăng
có lúc khẽ chạm cả vào khuôn mặt,
chim hót muộn, tiếng lừng vang thánh thót,
những khóm hoa rực rỡ đến hoang mang.

Những cơn mưa thôi quất xuống, ngỡ ngàng
cánh đồng tối lặng thầm cho tất cả,
thường, hạnh phúc khiến ta vui đến lạ,
ít hờn ghen để bớt đắng cay thêm.

Sáng sớm nay thu hào phóng nhuốm lên,
ta vui sướng chào đón ngươi muôn lối
tình yêu ơi, mi đâu rồi… hãy tới!
nhưng rừng cây vẫn lặng lẽ làm thinh.

Những vì sao trông nghiêm nghị trong đêm,
ngươi thấy đấy nếu mưa sao ập đến,
đấy là lúc phải biệt ly vĩnh viễn
nên giờ đây ta đã hiểu thế nào…

Để giữ gìn, yêu thương, và lượng thứ,
dẫu chia tay cũng biết phải làm sao.

Tháng 9-2018.

Ghi chú:
"бабье лето” thường được hiểu là cách gọi mùa hè của những người da đỏ (Indian) ở bắc Mỹ. Trong tiếng Anh, "Indian summer” còn có nghĩa là thu muộn vì khoảng thời gian này thường được mô tả là thời tiết bỗng trở nên khô hạn và ấm áp trái mùa, vì lúc này đã là mùa thu hoặc cuối thu, tuỳ theo từng vùng, hay quốc gia có khí hậu ôn đới, nằm ở bán cầu Bắc mà "Indian summer” có thể rơi vào tháng 9, tháng 10 hoặc tháng 11,
+ Nguyên văn: "Оно называется бабье лето” (Nó được gọi là mùa hè của những người Anh-điêng).


GỬI BORIS KORNILOV
(K. Борису Корнилову)

…Mọi thứ đổi thay, em không còn như trước
có điều gì đã rất khác trong em…
_ Bor.is Kornilov_

1
Vâng, đúng vậy! Em bây giờ đã khác,
khác rất nhiều với lúc trước rồi anh,
ai cũng biết cuộc đời này là thế
cứ trôi vèo, rồi kết thúc rất nhanh.

Thậm chí già đến mức em tự hỏi
liệu là anh có nhận được ra không?
nếu có thể nhận ra em hãy nói
để em vui, dù chút xíu trong lòng.

Em chẳng định cầu xin anh tha thứ
hay thề bồi chuyện vô ích làm chi,
nên không muốn nói những điều vô nghĩa
nhưng giá như anh có thể quên đi.

Thì em tin anh sẽ quay trở lại
mọi tổn thương trước đó sẽ không còn
hai chúng ta sẽ lại như ngày trước
cùng lang thang, thậm chí, khóc nhiều hơn,
về những gì mà hai ta đều biết.

2.
Những hồi tưởng hiện về trong ký ức
bài ca xưa, em nhớ buổi đầu tiên
em đã hát:
… có ngôi sao rực sáng
sóng Neva nhuộm đỏ bóng chiều lên.

Đàn họa mi từ ngoại thành ríu rít
...nhưng thời gian,
năm tháng đã trôi đi…

Dẫu đắng cay nhưng ngọt bùi cũng lắm
đất xung quanh vẫn rộng lớn mênh mông
anh nói đúng, dẫu bây giờ đâu mất,
em là người yêu anh đến cuồng si.

Nên em giờ đã hát bài hát khác
khóc cũng không còn ngờ nghệch như xưa...

Lũ trẻ con, những người vốn mộng mơ
giờ lại hát những bài ca chúng thích,
về hoàng hôn, sông Neva... sóng nước,
tuổi trẻ thường ai cũng thế, phải không?

Tháng 9-2018.


MÙA LÁ RỤNG

(Листопад)

Mùa thu ở Mạc Tư Khoa, trên các đại lộ, người ta
thường treo những tấm biển mang dòng chữ:
"Hãy coi chừng lá rụng!"

Trên bầu trời mùa thu Mạc Tư Khoa,
chiều dần buông, sương trắng mờ như khói,
những đàn sếu về phương Nam bay vội,
các khu vườn màu lá chợt ánh lên.

Đại lộ dài, tấm biển nhỏ treo trên
những hàng cây, nhắc mọi người qua đó,
dù một mình, hay sóng đôi trên phố,
"coi chừng nghe, mùa lá rụng đến rồi”.

Trái tim tôi giờ cô độc, lẻ loi
trên ngõ nhỏ,
chiều thu, nơi xa lạ,
lang thang bước dưới làn mưa lạnh giá,
lướt nhìn qua những ô cửa sáng đèn.

Tôi một mình, giữa khoảng tối lặng im
nhưng có ai bận tâm gì đâu nhỉ?
ai là người mà tôi hằng yêu quý,
ai khiến tôi lòng vui sướng hân hoan.

Không hiểu sao, tấm biển chẳng liên quan
cứ nhắc mãi "coi chừng nghe, lá rụng”,
nếu như tôi chẳng có gì mong ước,
sao phải lo chuyện mất mát không đâu.

Thậm chí ta còn chưa hỏi thăm nhau,
đến làm bạn cũng chưa từng thân thiết,
người yêu càng... chưa bao giờ,
lạ thật!
nhưng tại sao tôi cứ thấy tôi buồn.

Và thấy mình bước hụt hẫng, cô đơn
khi chia tay, có lẽ là mãi mãi,
này tôi hỡi! có phải tôi khờ dại
kẻ không may,
bất hạnh nhất trên đời!

Có gì đâu, sao tôi phải nhạo cười,
sức chịu đựng dường như là không thể,
càng dịu dàng nỗi buồn càng buồn thế,
hệt cơn mưa trong giờ phút chia tay.

Trận mưa rào trong đêm tối hôm nay
bỗng ấm áp ngay cả khi sấm chớp,
hãy vui lên!
mong anh nhiều hạnh phúc
như cơn mưa dào dạt lúc chia xa.

... Tôi, một mình quay trở lại sân ga,
lánh mặt cả những người ra đưa tiễn,
tôi vẫn chưa ngỏ lời cho anh biết,
nên giờ tôi chẳng muốn nói thêm gì.

Bóng đêm dày, con ngõ nhỏ, ngoài kia,
các tấm biển như thầm thì muốn nói,
này những ai đang bước vội trên đường
coi chừng nhé người ơi khi lá rụng…

Tháng 9-2018.


ANH SẼ ĐỢI CHO TỚI KHI…
(Ты будешь ждать…)

Anh sẽ đợi cho tới khi tất cả
Ngủ thiếp đi, cả cửa sổ ngôi nhà
Cũng hóa đá bên anh đào nhợt nhạt,
Đêm khuya giờ chỉ còn tiếng em vang,

Rồi chạy đến trong chiếc khăn choàng lớn,
Vòng tay ôm nóng bỏng đến hân hoan,
Bao ham muốn lại trào sôi khao khát,
Hoa anh đào từng cánh mỏng lang thang
Bay theo gió,
Hoặc rụng đầy dưới gốc.

Tháng 9-2018.


EM GIẤU KÍN NHỮNG HỜN GHEN ĐAU KHỔ
(Я тайно и горько ревную)

Em giấu kín những hờn ghen, đau khổ,
trong nghĩ suy đầy u ám của mình,
anh chắc rồi cũng sẽ yêu người khác,
rạng ngời hơn và phước hạnh hơn em.

Nhưng điều đó với em là thất bại,
cùng với bao cuộc tình đã chôn vùi,
trước mặt họ, em thực là có lỗi
nếu là anh, tha thứ hẳn là… thôi!

Em gần đây bắt đầu hiếm khi cười,
thậm chí giận cả những lời đùa giỡn,
khiến ai nấy đều ngại ngần, mỗi lúc
có chuyện vui cũng không dám sẻ chia.
 
Em lặng thinh, ánh mắt cũng quay đi
chẳng tham gia lúc mọi người đàm luận,
có gì đấy dường như là bí ẩn,
kéo em về đâu đó rất xa xôi.

Không có ngày; đêm chẳng có… là nơi
đất ẩm ướt, bình minh nhòe run rẩy,
tiếng anh gọi "Em ở nơi nào đấy?”
giá như em biết anh gọi từ đâu.

Tuy nhiên anh sẽ chẳng biết gì đâu,
vì lúc đó em sẽ không hồi đáp,
khoảnh khắc ấy chỉ ngập tràn yên lặng,
quay lại ư, đã quá muộn rồi anh.

Giấu vào lòng những đau khổ, hờn ghen
anh cố đợi, đừng rời xa vội nhé,
dẫu là em hay người nào anh sẽ…
cũng không ai biết mình xứng đáng hơn.

Anh và em, mình gặp lại đúng hôm
mùa hè đến báo trước giờ ly biệt,
trước vinh quang và những gì cay đắng,
nửa trái tim, mùa đông phá tan rồi.

Suy nghĩ này như mảnh vỡ vậy thôi,
khi đau đớn cuộn lên trong lồng ngực,
em sẽ vui và trở nên dịu ngọt,
nếu biết anh vẫn còn rất yêu em,
như trước đây chưa bao giờ thay đổi.

Tháng 9-2018.


CÂY NGẢI ĐẮNG
(Полынь)

Tôi đã cố tỏ ra mình ương bướng,
lặng thinh không than thở lấy một câu,
cây ngải đắng của tôi, ôi ngải đắng
cuối cùng hoa cũng đã nở khắp rồi.

Không thể nào nói tạm biệt, đành thôi,
hai chúng ta mọi điều giờ giấu kín,
anh giữ lại chiếc khăn choàng, câm nín
ngồi mân mê xé tung hết đường viền.

Sao phải làm chiếc khăn đó của em
bung hết cả đường viền ra vậy chứ?
tại sao em vẫn phải luôn gìn giữ
trước nhân gian sự can đảm của mình?

Sao phải cần lời êm ái, lung linh
từ người lạ, cả người không ưa thích?
cây ngải đắng, ôi ngoài kia ngải đắng,
bao lối mòn ngải vẫn mãi xanh tươi.

Tháng 9-2018.


HẠNH PHÚC
(Cчастье)

Không bao giờ em thấy đáng xót thương
trái tim mình, kể cả khi đau khổ,
cũng không phải vì say mê gì đó
lúc hát ca, hay bè bạn cũng không;
hãy thứ tha cho em nhé, được không?
việc xảy ra nào có ai muốn thế
dẫu cảm thấy đắng trong lòng mọi lẽ,
nhưng điều này cũng hạnh phúc mà anh.

Thực tế em khá sôi nổi, lanh chanh
thích đánh nhau dù lòng hay thương cảm,
thường lo âu bởi những gì bất hạnh,
trong cuộc đời em đâu đã trải qua;
đơn giản như chợt gặp một bóng ma,
hay phẫn nộ với những điều nhỏ nhặt
hoặc hoảng hốt vì bỗng dưng lo lắng
nhưng điều này cũng hạnh phúc mà anh.

Cứ mặc cho giọt nước mắt lăn nhanh
hay hơi thở này cũng đang nghẹt lại,
sự quở trách như làn roi da quất,
hay cành cây dập gãy lúc bão giông,
chẳng sợ bằng sự tha thứ khoan dung
hay thờ ơ trước những điều tồi tệ,
còn tình yêu chẳng thứ tha… không lẽ,
nhưng điều này cũng hạnh phúc mà anh.

Em bây giờ đã biết rõ rồi anh
yêu chẳng khác gì giết người… đúng vậy!
chẳng dễ đợi lòng từ bi trắc ẩn,
không sẻ chia sức mạnh lẫn uy quyền,
chỉ cần nàng đẹp vừa đủ phải không
chỉ cần nàng sống trên đời là thực
không cần nàng phải vui tươi quá mức
chỉ cần nàng là hạnh phúc, vậy thôi.

Tháng 10-2018.


HÃY TRỞ VỀ DẪU CHỈ GẶP TRONG MƠ
(Ты приснись мне...)

Hãy trở về bên mẹ nhé, con yêu
Dù chỉ trong giấc mơ thôi cũng được,
Đừng nhìn mẹ như bức hình xám xịt,
Dẫu chỉ là một tia sáng nhỏ nhoi,

Hoặc chim trời, một thoáng đã xa xôi,
Nhưng với mẹ đó chính là sự sống,
Như hạnh phúc và tuổi thơ… chẳng có
Bất cứ gì đong đếm được,
Nhưng con

Đã đi về một thế giới xa xăm,
Và khoảng cách đã xóa nhòa hình bóng
Con thân yêu,
Tàn tro giờ nhiều lắm
Chúng đang rơi xuống tim mẹ,
Tàn tro
Không còn cháy nhưng vẫn luôn âm ỉ.

Mẹ đã tự trách chính mình, vì để
Con ra đi… còn quá sớm… con ơi!
Vậy mà mẹ chẳng mất đi lý trí,
Mẹ của con vẫn tồn tại trên đời,
Bản năng sống thật tham lam, chết tiệt!

Dù chỉ là trong mơ thôi cũng được,
Hãy một lần về bên mẹ, con ơi…
Đừng nhìn mẹ như bức hình xám xịt,
Dẫu chỉ là một tia sáng nhỏ nhoi,

Hay chim trời, một thoáng đã xa xôi
Nhưng với mẹ đó chính là sự sống,
Như hạnh phúc và tuổi thơ…
Chẳng có
Bất cứ gì đong đếm được đâu con.

Tháng 7-2022.

Ghi chú:
Bài thơ "Ты приснись мне...” được Olga Berggoltz viết năm 1937, cho con gái đầu lòng Irina của bà bị mắc bệnh tim bẩm sinh và cô bé đã qua đời khi mới 8 tuổi.

https://www.facebook.com/profile.php?id=100009541032653

Các tin khác
Marina Ivanovna Tsvetaeva (1892–1941)

Marina Tsvetaeva là một trong số những nhà văn, nhà thơ xuất sắc nhất của Nga trong thế kỉ XX. Bà là một nhà thơ trữ tình, với niềm đam mê thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo. Các tác phẩm của Marina Tsvetaeva được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học Nga thế kỷ XX, bởi nó là dấu ấn về một biên niên sử nổi bật về thời đại và chiều sâu của thân phận con người.

Anna Akhmatova (1889–1966)

Anna Andreyevna Gorenko thường được biết đến với bút danh Anna Akhmatova. Là một nhà văn, nhà phê bình và dịch giả, Anna Akhmatova. là một trong những nhà thơ Nga quan trọng và xuất sắc nhất thế kỷ 20. Tác phẩm của Akhmatova trải dài từ những bài thơ trữ tình ngắn đến những bài có cấu trúc phức tạp, chẳng hạn như Requiem (1935–1940), kiệt tác bi thảm của bà về sự khủng bố của chủ nghĩa Stalin.

Christian Johann Heinrich Heine (1797 - 1856)

Christian Johann Heinrich Heine là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học người Đức. Ông nổi tiếng với các bài thơ trữ tình và thơ của ông được phổ nhạc nhiều nhất trên thế giới, trong đó có các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Robert Schumann và Franz Schubert.

Georg Trakl (1887-1914)

Là một trong những người theo trường phái biểu hiện quan trọng nhất của Áo, Georg Trakl là nhà thơ người Áo viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất sau Rilke ở đầu thế kỷ 20. Ông được biết đến nhiều nhất với bài thơ "Grodek", bài thơ mà ông đã viết không lâu trước khi chết vì dùng quá liều cocaine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục