BA CÕI THẾ GIỚI KỲ DIỆU CỦA DANTE

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/3/2022 | 11:57:15 PM

Được xây dựng theo thuật toán và những con số bí ẩn (Numerology) đang rất thịnh hành ở thời Trung cổ, cấu trúc của Comedia nhìn chung hơi khá phức tạp vì nó luôn xoay quanh những con số được coi là thiêng liêng và huyền bí như 1, 3, 7, 9, 10, vì được cho là liên quan đến siêu linh, cùng với thuật chiêm tinh và các nghệ thuật bói toán tương tự khác. Nếu tất cả ba cõi đều tuân theo một mô hình chung là 9+1, thì con số 9 ở Địa Ngục - Luyện Ngục và Thiên Đường đều rất biến ảo. Dựa theo “7 đại tội” (đã được quy nạp trong thời kỳ đầu Kitô giáo), Dante đã tạo thêm 2 tầng trong Địa Ngục, căn cứ vào những tội lỗi phát sinh sau khi Kitô giáo ra đời để thành con số 9, như tội u minh của những người không chịu phép báptêm (vì họ đã chết trước đó hoặc chưa kịp chào đời) ở tầng một, và tội dị giáo ở tầng thứ sáu.

Hành trình đi qua ba cõi thế giới của Dante
Hành trình đi qua ba cõi thế giới của Dante

Được mệnh danh là "Kinh Thánh của thời Trung cổ”, La Divina Commedia (ban đầu được Dante gọi là Comedìa theo tiếng Hy Lạp và phương ngữ Toscana), là một tác phẩm thơ tự sự bao gồm ba phần: Địa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio), và Thiên đường (Paradiso); mỗi phần đều có 33 khúc (canto), và 1 khúc mở đầu, tổng cộng gồm 100 khúc với 14.227 câu thơ.

Dẫn dắt độc giả đi qua ba cõi của thế giới bên kia, Dante thực ra chỉ muốn ngụ ngôn hóa trạng thái của các linh hồn sau khi chết và hành trình của họ đến với Chúa, bắt đầu bằng việc thừa nhận (hoặc khước từ tội lỗi) ở Địa ngục; tiếp theo là cuộc sống thanh tẩy (hay sám hối) ở Luyện ngục, và sau đó là lên Thiên đường thị kiến Đức Chúa trời, dựa trên quan niệm thần học và triết học kinh viện của Kitô giáo (được giảng dạy từ cuối TK 11 đến TK 18), thông qua triết học Thomistic có nguồn gốc từ Thần học Summa của thánh Thomas Aquinas, một đỉnh cao của học thuyết Kinh viện ở thời kỳ trung cổ.

Trong tác phẩm của mình, người hành hương Dante đã đi cùng với ba người hướng đạo gồm Virgil, đại diện cho lý trí của con người; Beatrice đại diện cho sự mặc khải thiêng liêng (thần học, đức tin và ân sủng); và Saint Bernard of Clairvaux, đại diện cho chủ nghĩa thần bí (chiêm niệm và tận tụy với Maria).

Với một sự tưởng tượng tuyệt vời, Dante lần lượt cho độc giả gặp gỡ các nhân vật của mình. Họ có thể là những người trông dịu dàng đến ngưỡng mộ, hoặc cao quý tới lố bịch, hay những kẻ phản bội, kiêu ngạo hoặc tham lam, khác hẳn với các nguyên mẫu thần thoại người ta thường gặp trong các tác phẩm đã được viết ra trước đó của Homer (Iliad-Odyssey), Ovid (Metamorphoses), hay Virgil (Aenied).

Tác phẩm ban đầu được Dante gọi là Comedìa /komeˈdiːa/ trong tiếng Hy Lạp cổ (/kōmōdía/) và tiếng bản xứ (Comedia) đều có nghĩa là "Hài kịch”, mang đậm tính chất khôi hài hoặc châm biếm chính trị thường được xướng lên trong các nhà hát kiểu Hy Lạp; nhưng đến thời kỳ Trung cổ thì thuật ngữ này đã được mở rộng cho cả những bài thơ mang tính tự sự với kết thúc có hậu, được viết bằng ngôn ngữ hàng ngày thì được gọi là phong cách bình dân (low); trong khi những bài thơ đề cập đến những vấn đề quan trọng hơn thì được gọi là phong cách cao cấp (high). Dante có lẽ đã biết đến ý nghĩa mở rộng này nên ông đã sử dụng thuật ngữ Comedìa làm tiêu đề cho bài thơ của mình.

Sau này, Comedìa được Giovanni Boccaccio (1313-1375), một nhà văn người Ý thêm vào tính từ Divina, với hàm ý tác phẩm này là "Hài kịch của thần thánh” do chủ đề và phong cách cao cả của nó. Ấn bản đầu tiên có tựa đề "Divina Comedia” đã được xuất bản vào năm 1555 bởi Gabriele Giolito de 'Ferrari, do Lodovico Dolce, một người Venice theo chủ nghĩa nhân văn tuyển chọn. Đến thời kỳ hiện đại thì tác phẩm của Dante có tên đầy đủ là "La Divina Commedia”.

Được viết bằng thứ tiếng "thô tục” của giới bình dân, trong khi theo truyền thống, văn chương phải được viết bằng ngôn ngữ chuẩn mực của giới quý tộc là tiếng Latinh hoặc tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, tác phẩm của Dante vẫn được người Ý đón nhận ngay từ khi xuất bản, và theo thời gian, nó chỉ bị quên lãng ở thế kỷ 18 khi "Kỷ nguyên Khai sáng” ra đời như một thách thức trước Giáo hội, nhưng "La Divina Commedia” trong giai đoạn này vẫn được Vittorio Alfieri và Antoine de Rivarol dịch sang tiếng Pháp, và Giambattista Vico (trong 2 tác phẩm "Scienza nuova” và "Giudizio su Dante”) tuyên phong, đặt Dante ngang hàng với nhà thơ vĩ đại Homer. Với phong cách bình dân vẫn bị coi là thô tục của Dante, Commedia đã mở ra một hình thức văn học mới (chủ nghĩa hiện thực) và là khởi đầu cho dòng văn chương tiểu thuyết sau này với việc miêu tả con người là sản phẩm của một thời gian, và địa điểm cụ thể.

Có nhiều học giả phỏng đoán rằng, từ nhỏ Dante đã được hướng dẫn chính thức về các môn học ngữ pháp, ngôn ngữ và triết học, tại một trong những trường dòng Francesco trong thành phố; vì vậy ông dễ dàng đồng cảm hoặc chịu ảnh hưởng lớn từ các triết thuyết Kinh viện. Hơn nữa, với cách tiếp cận này Dante đã được mở rộng nhãn quan chính trị của mình, thông qua phương pháp suy luận và giải quyết mâu thuẫn tư tưởng trong suốt những năm tháng ông buộc phải sống cuộc đời lưu vong không biết đến ngày về.

Với hàm lượng kiến thức sâu rộng và uyên bác, Dante còn là người luôn ngưỡng mộ Virgil, nên ông dường như không mấy khó khăn khi tự họa nên bức chân dung của mình vì đã có sẵn hình mẫu của Aeneas từ những ngày còn trẻ.

Hơn nữa, thế giới của người chết (Sheol) vốn không phải là điều gì quá xa lạ với những chiên con ngoan đạo như Dante, nên trong Comedia, ngoài vô số các điển tích trong Kinh thánh, thì người đọc còn thấy rất nhiều các câu chuyện hay hình ảnh được sử dụng như một phép ngụ ngôn, đã được Dante trích dẫn từ các cuốn sử thi của Virgil (Aenied), hay Ovid (Metamorphoses), Lucan (Pharsalia) hoặc thần thoại dân gian Hy Lạp, La Mã… Khiến cho ba cõi thế giới mà Dante mô tả trong tác phẩm vừa gần gũi quen thuộc, lại vừa kỳ bí siêu nhiên.

Được xây dựng theo thuật toán và những con số bí ẩn (Numerology) đang rất thịnh hành ở thời Trung cổ, cấu trúc của Comedia nhìn chung hơi khá phức tạp vì nó luôn xoay quanh những con số được coi là thiêng liêng và huyền bí như 1, 3, 7, 9, 10, vì được cho là liên quan đến siêu linh, cùng với thuật chiêm tinh và các nghệ thuật bói toán tương tự khác.

Nếu tất cả ba cõi đều tuân theo một mô hình chung là 9+1, thì con số 9 ở Địa Ngục - Luyện Ngục và Thiên Đường đều rất biến ảo. Dựa theo "7 đại tội” (đã được quy nạp trong thời kỳ đầu Kitô giáo), Dante đã tạo thêm 2 tầng trong Địa Ngục, căn cứ vào những tội lỗi phát sinh sau khi Kitô giáo ra đời để thành con số 9, như tội u minh của những người không chịu phép báptêm (vì họ đã chết trước đó hoặc chưa kịp chào đời) ở tầng một, và tội dị giáo ở tầng thứ sáu. Với Luyện Ngục cũng vậy, hai tầng Tiền-Luyện ngục (Anti-Purgario) đầu tiên (thứ nhất và thứ hai), được Dante dành cho những người ăn năn muộn và bị vạ tuyệt thông vì còn hồ nghi hay không tin tưởng tuyệt đối vào Đức Chúa cha cũng như Chúa con là Jesus Christ. Còn trên thiên đường, trong tám thiên cầu (theo Ptolemaios) được nhìn thấy bằng mắt thường từ trái đất, Dante đã thêm vào "Động lực đầu tiên” (Primo Mobile) theo thiên văn học thời Trung cổ là chuyển động ngoài cùng và nhanh nhất trong vũ trụ để hợp thành 9 thiên cầu. Sau đó để có được số 10 hoàn chỉnh, Dante đã tạo nên một tầng chuyển tiếp qua các cõi, như ở Địa ngục là tầng cuối cùng, nơi Lucife bị giam giữ trong điều kiện không trọng lực (thường được diễn giải là tâm trái đất); hay ở Luyện ngục lại chính là đỉnh núi Purgatorio, nơi có vườn Địa đàng trần gian; và trên Thiên đàng, đó là chính là tầng thứ mười: Empyran, nơi có Đức Chúa trời ngự trị.

Địa ngục của Dante (Inferno di Dante)

Từ xa xưa, người Do Thái cổ đại đã quan niệm "Sheol” (cái hố) là nơi trú ngụ vĩnh viễn của người chết, hay "ngôi mộ chung của loài người” trong các văn bản Kinh Thánh tiếng Hebrew (Do Thái).

Đến thời kỳ Đền Thờ thứ hai (khoảng 500 TCN - 70 SCN), do tiếp biến văn hóa với một số cộng đồng người Hy Lạp ở phía tây Levant, nên "Sheol” dần được hiểu là ngôi nhà của những kẻ ác sau khi chết, còn Paradise (Thiên đường) là nơi dành cho những người công chính, kể từ lúc thân xác họ chết đi cho đến lúc (họ) nhận được Sự Phán Xét Cuối Cùng (1 Enoch XXII; Luca XVI, 19–31). Đến lúc này, người Do Thái đã chuyển sang quan niệm rằng: "Tôi tớ tốt lành và trung thành” (thì) sẽ được hưởng sự sống đời đời (trên Thiên đường), còn "người không chung thủy với người không tin (vào Chúa trời)” sẽ phải đời đời ở trong Sheol. Tội lỗi và sự vô tín của họ sẽ hành hạ họ như lửa đốt (vì vậy mà Sheol thường được hiểu là ‘hỏa ngục’).

Cuối thế kỷ 1 sau Công nguyên, khi Kitô giáo ra đời dựa trên nền tảng thần học và triết học do các sứ đồ của Chúa Jesus xây dựng và phát triển, song các Cơ đốc nhân vẫn (luôn) tự xem mình là người kế thừa (hoàn chỉnh) của Do Thái giáo, cho nên Hội thánh nói chung và Kitô hữu nói riêng, vẫn tiếp tục thực hành theo các tín điều của người Do Thái, như: thuyết độc thần, niềm tin vào Đấng Messiah, cùng một số hình thức thờ phượng khác như cầu nguyện, xướng đọc Thánh kinh, chức vị và thủ tục tế lễ… Dẫu vậy, các Cơ đốc nhân lại cho rằng sự thờ phượng ở trần gian cũng chính là "hình bóng” cho sự thờ phượng trên thiên đàng, dù điều này vốn đi ngược với Kinh thánh cựu ước của người Do Thái là không tôn thờ hình tượng.

Với quan điểm về Chúa Ba ngôi, hay Jesus Christ vừa là con của Đức Chúa trời vừa là con do Maria sinh ra bởi quyền năng siêu nhiên của Chúa Thánh Linh, Kitô giáo sau này dù đã được Đế quốc La Mã công nhận là quốc đạo, song giáo hội và các Kitô hữu vẫn bị chia rẽ nghiêm trọng; đồng thời họ còn bị nhiều học thuyết và các tôn giáo khác đả kích. Vì vậy, mỗi khi rao giảng Phúc âm, những người truyền giáo vẫn luôn tuyên xưng "Đức tin” trước các tín hữu của mình:

"Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha, là Đấng dựng nên trời đất.
Tôi tin Jesus Christ là Con (độc sinh) của Đức Chúa Trời và (là) Chúa của chúng ta. Ngài được thai nghén bởi Chúa Thánh Linh, và sinh ra bởi nữ đồng trinh Mary, chịu thương khó dưới tay Ponce-Pilate, bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn. Ngài xuống âm phủ, đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại. Ngài lên thiên đường, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha. Từ đó Ngài sẽ trở lại để đoán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin Chúa Thánh Linh.
Tôi tin hội thánh, sự cảm thông, sự tha tội, sự sống lại của thân thể và sự sống đời đời”.

Chính vì những quan điểm luôn trái ngược nhau trong đức tin mà nhiều hệ phái trong Kitô giáo đã ra đời, dẫn đến một cuộc ly giáo kéo dài đến tận thế kỷ 11; cùng với đó là vấn nạn tham nhũng, tha hóa đạo đức từ hàng giáo sĩ đến các vị giáo hoàng trong Nhà thờ và Giáo hội. Nên khi mô tả chuyến đi đầu tiên xuyên qua Địa ngục, thực tế Dante chỉ muốn khắc họa lại một hành trình đầy thử thách và cam go, giống như hành trình của Đức tin khi các Kitô hữu, tự nguyện đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Nhờ có đức tin, Dante dù bị lạc trong một khu rừng tối, nhưng ông vẫn được ánh sáng mặt trời (hồng ân của Chúa) soi chiếu; do vậy hành trình loan truyền đức tin của Dante sau đó chỉ đơn giản như một lẽ tự nhiên: vì không ai có thể tự ban đức tin cho mình, cũng như không thể tự ban cho mình sự sống. Hơn nữa, nghĩa vụ và trách nhiệm của một Kitô hữu còn là việc tuyên xưng và truyền bá đức tin để góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của các Cơ đốc nhân.

Được mô tả như một vực sâu khổng lồ với cấu trúc hình nón ngược, "cái hố” Địa ngục của Dante được cho là đã chạm tới tâm trái đất, bắt nguồn từ câu chuyện trong sách Khải Huyền, khi Lucifer nổi lên chống lại quyền lực của thánh thần và đã bị Chúa Trời trừng phạt, ném xuống trái đất cùng những kẻ sa ngã khác. Cú ném kinh hoàng này đã làm cho mặt đất bên dưới Jerusalem sụt lún, tạo nên một vực thẳm khổng lồ để giam giữ Lucifer cùng các thiên thần nổi loạn.

Địa ngục trong chuyến hành trình của Dante (khi ông được Virgil dẫn đường) được chia ra thành chín vòng tròn đồng tâm; mỗi vòng tương ứng với một tầng ngục dùng để giam giữ và trừng phạt các linh hồn tội lỗi của con người theo một tội danh nhất định. Một, trong số các tầng đó lại được chia thành các dải thứ cấp, ví dụ như ở vòng tròn thứ bảy, nơi trừng phạt các tội nhân "bạo lực” được chia thành ba vòng ngục nhỏ, hay tầng thứ tám lại được chia thành mười bolgia (cái túi hoặc mương nước), còn vòng tròn thứ chín thì được chia thành bốn khu vực, tương xứng với tội lỗi "phản bội” và Lucife bị nhốt ở nơi sâu nhất, cũng là tầng cuối cùng.

Trong Địa ngục, tất cả những linh hồn đã phạm tội và không có hy vọng cứu rỗi đều bị trừng phạt. Đó là ‘bằng chứng” cho tất cả những ai còn hồ nghi hay không tin vào Chúa. Nhưng vì Ngài là một Đấng nhân từ và vị tha, cho nên khi đến với cõi giới thứ hai, ngay ở tầng tiền Luyện ngục (anti-purgatorio) đầu tiên, những người nhận ra lỗi lầm và chịu phép báp têm ở những giây phút cuối (ăn năn muộn) đều được vào đây để chịu phép thanh tẩy.

Luyện ngục của Dante (Purgatorio di Dante)

Cũng giống như ở "Sheol”, người Do Thái xưa không có khái niệm về việc người chết sống lại, nên họ không cho rằng có trạng thái trung gian như Purgatorio; vì như nhiều dân tộc khác trên trái đất, họ cũng hiểu rằng đã chết là hết. Một khi đã sa xuống cái hố (sheol) tối tăm và ảm đạm này thì chẳng ai có thể quay về.

Nhưng Do Thái giáo vào thời kỳ "Đền thờ thứ hai” đã phát triển một loạt các tín ngưỡng liên quan đến sự phục sinh của cơ thể vật lý. Khái niệm này đã được tìm thấy trong cuốn giáo luận thứ hai (deuterocanonical), 2 Maccabees (XII, 43-46), theo đó sự phục sinh sẽ xảy ra thông qua việc tái tạo xác thịt. Sự sống lại của người chết cũng xuất hiện chi tiết trong các sách của Enoch, Apocalypse of Baruch, và 2 Esdras.

Vào thập niên thứ nhất đầu công nguyên, khi Chúa Jesus cùng các sứ đồ còn đi rao giảng Tin mừng, thì Sách Daniel (XII, 1–4 ) và một lời tiên tri trong Isaiah (XXVI, 19) cũng đã phổ biến ý tưởng rằng, những người ở trong Sheol sẽ được sống lại để chịu sự phán xét cuối cùng.

Đến thời Trung cổ, mặc dù không được nhiều giáo hội Công giáo công nhận, và một số văn bản trong Kinh thánh cũng chỉ coi Luyện ngục là một quá trình giống như ngọn lửa thanh tẩy, thì đa số Kitô hữu từ cuối thế kỷ 12 vẫn tin rằng: Luyện ngục là một trạng thái vật chất trung gian, dành cho những ai đã chết trong ân sủng và tình bạn của Thiên chúa song vẫn chưa hoàn hảo hay tinh khiết.

Thuyết Cánh chung trong Cơ đốc giáo cũng đã từng nghiên cứu và thảo luận khá nhiều về các vấn đề như: Cái chết và Thế giới bên kia, Thiên đường và Địa ngục, Sự phục sinh của Chúa Jesus và Sự sống lại của người chết, thuyết thiên niên kỷ, Ngày tận thế và Sự phán xét cuối cùng, Trời và Đất mới trong sự sống đời sau, v.v… Do vậy, Luyện ngục của Dante lúc này cũng không thể đi ra ngoài quy luật phát triển của thời đại.

Nếu tình yêu (thương) là một chủ đề xuyên suốt tác phẩm của Dante thì ở Luyện ngục nó đặc biệt quan trọng với những tội lỗi đã được định hình ở chốn thanh tẩy này, bởi tình yêu khi đến từ Đức Chúa Trời là hoàn toàn tinh khiết, nhưng khi chảy qua nhân loại "tình yêu” rất dễ sa vào tội lỗi, vì con người có thể phạm tội bằng cách sử dụng tình yêu không đúng với mục đích, hoặc làm nó trở nên độc hại (Phẫn nộ, Đố kỵ, Kiêu ngạo), hoặc không đủ mạnh để khiến nó kết thúc đúng đắn (Lười biếng) hoặc tình yêu đó quá mạnh mẽ (Ham muốn, tham ăn, tham lam).

Ở cõi giới này, các linh hồn đại diện cho đời sống của các Cơ Đốc nhân, những người được hộ tống bởi một thiên thần hát "In exitu Israel de Aegypto”, vì với việc người Israel rời khỏi Ai Cập, tức là đã được giải phóng khỏi chế độ nô lệ thì nơi này (Luyện ngục) cũng là một phép ẩn dụ cho sự giải thoát khỏi tội lỗi.

Thiên đường của Dante (Paradiso di Dante)

Nếu cấu trúc của Inferno và Purgatorio dựa trên các ham muốn tội lỗi khác nhau của loài người, thì cấu trúc của Paradiso dựa trên ba đức tính thần học gồm có: Niềm tin - Hy vọng - và Bác ái; cùng bốn đức tính cơ bản khác của Kitô giáo là Thận trọng - Công lý - Kiềm chế - và Dũng cảm.

Được Beatrice, một phụ nữ ngọt ngào với đôi mắt xinh đẹp, tiếp tục hướng dẫn đi lên chín thiên cầu để thị kiến Chúa trời, Dante đến lúc này mới nhận ra những người phước hạnh dù đã được lên Thiên đàng, nhưng vì thiếu hụt những nhân đức trong tính cách nên họ cũng phải cư trú ở các tầng trời (cao-thấp) khác nhau.

Trong cõi giới này, Dante lần lượt (cho chúng ta) được gặp từ những người mộ đạo thánh thiện, cho đến những vị chân phước nổi tiếng, thậm chí có người từng là Vua của các vương triều, đế chế, hay các vị thánh tử vì đạo, cũng như những thiên thần nhỏ là những đứa trẻ vì quá thiếu may mắn nên chưa được sinh ra ; nhưng chúng vẫn được Thiên chúa yêu thương và cho cư ngụ ở nơi thiên cầu có phẩm hạnh cao nhất.

Mặc dù, La Divina Commedia có chủ đề chính là thảo luận về tội lỗi, đạo đức và thần học của Kitô giáo, song một số yếu tố khoa học như vật lý, thiên văn, địa lý, toán học, vũ trụ học… ở thời kỳ Trung cổ cũng được Dante cập nhật và đưa vào thơ ca, khiến ông nhận được cả lời khen lẫn chỉ trích trong suốt nhiều thế kỷ.

Tác phẩm của Dante rõ ràng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các học giả và các nhà văn, nhà thơ cổ điển Ý, đã được lưu giữ và chuyển ngữ nhờ văn minh Hồi giáo, cùng triết học kinh viện phát triển rực rỡ trong thời kỳ này. Thậm chí, Miguel Asín Palacios, một học giả Tây Ban Nha, và cũng là một linh mục Công giáo, người đã xuất bản cuốn sách "La Escatología musulmana en la Divina Comedia” (Thuyết Hồi giáo mạt thế trong Divina Comedia), cho rằng có sự tương đồng giữa Commedia với triết học Hồi giáo, hay những đặc điểm trong các tác phẩm tâm linh của Ibn Arabi, hoặc hành trình lên thiên đàng vào ban đêm của Muhammad.

Dẫu còn rất nhiều những vấn đề tranh cãi về tác phẩm kinh điển này, nhưng có một sự thật hiển nhiên, La Divina Commedia chính là nguồn cảm hứng cho rất nhiều thi sĩ, nhà văn, họa sĩ sau này như John Milton, người nổi tiếng với bài thơ "Thiên đường đã mất” (Paradise Lost) và "Thiên đường trở lại” (Paradise Regained), hay Geoffrey Chaucer, TS Eliot, Ezra Pound, Samuel Beckett, CS Lewis, James Joyce, William Blake, Gustave Dore… Ở Nga, ngoài bản dịch của Pushkin về một số thuật ngữ, thì bài thơ của thi sĩ quá cố Osip Mandelstam được cho là mang dấu ấn của một "thiền định dày vò” dựa trên Commedia. Theo ước tính của TS Eliot, "Dante và Shakespeare (đã) phân chia thế giới (này) giữa họ. Không có (người) thứ ba”. Đối với Jorge Luis Borges, Divina Comedia là "cuốn sách hay nhất mà ít có tác phẩm văn học nào đạt được”. Ở Ý, Dante thường được gọi là "Nhà thơ tối cao” (il Sommo Poeta) và sự nổi tiếng của La Divina Commedia đã khiến bộ sử thi sau này được xếp vào hàng kiệt tác của kho tàng văn chương thế giới.

Các tin khác
Dante và Virgil đi qua sông Stix, Minh họ a của Gustave Dore

Inferno (/iɱˈfɛrno/) trong tiếng Ý có nghĩa là Địa ngục. Đây là phần đầu tiên trong sử thi La Divina Commedia của Dante Alighieri, một nhà văn, nhà thơ, và là một chính trị gia người Ý trong giai đoạn hậu kỳ trung cổ thế (kỷ 14).

Trường học Athens, tranh của Raphael.

Từ thời kỳ cổ đại đến hậu kỳ trung cổ (Giai đoạn từ năm 753 TCN đến năm 1453 SCN).

Dante ở Verona, tranh của Antonio Cotti

Được mệnh danh là “Kinh Thánh của thời Trung cổ”, La Divina Commedia (ban đầu được Dante gọi là Comedìa theo tiếng Hy Lạp và phương ngữ Toscan), là một tác phẩm thơ tự sự bao gồm ba phần: Địa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio), và Thiên đường (Paradiso); mỗi phần đều có 33 khúc (canto), và 1 khúc mở đầu, tổng cộng gồm 100 khúc với 14.227 câu thơ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục