LƯỢC SỬ LA MÃ

  • Cập nhật: Chủ nhật, 20/3/2022 | 8:44:17 PM

Từ thời kỳ cổ đại đến hậu kỳ trung cổ (Giai đoạn từ năm 753 TCN đến năm 1453 SCN).

Trường học Athens, tranh của Raphael.
Trường học Athens, tranh của Raphael.

La Mã cổ đại khởi phát từ một vùng đồng bằng trên bán đảo Ý, ngày nay thuộc Italia, một nước cộng hòa nghị viện đơn nhất tại châu Âu. Lịch sử Italia bao gồm ba thời kỳ lớn: thời kỳ Cổ đại, thời kỳ Trung cổ và thời kỳ Hiện đại. Miền trung Ý vào thời kỳ cổ đại là quê hương của người La Mã và là trung tâm của Đế quốc La Mã sau này.

Từ nguyên.

Tên gọi La Mã (tức Roma) trong tiếng Việt bắt nguồn từ phiên âm Hán Việt của hai chữ 羅馬 (Luómǎ), tiếng Anh và tiếng Pháp gọi là Rome /Ro:m/; Còn tên Roma /Ro:ma/ bắt nguồn từ chữ "romanice” trong tiếng Latinh bình dân và tiếng Latinh Trung cổ, có nghĩa là "theo kiểu những người Roma”.

Tên gọi Ý trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung: 意 大 利 (bính âm: Yìdàlì, Hán Việt: Ý Đại Lợi). Trong tiếng Anh, Ý được gọi là "Italy".

Thuật ngữ Italia, được mượn từ tiếng Oscan (tại miền Nam Ý) là cách giải thích phổ biến nhất. Vì Bò đực là một biểu trưng của các bộ lạc miền nam Ý và thường được miêu tả là đang húc con sói La Mã để tượng trưng cho sự thách thức của Ý tự do trong Chiến tranh Đồng Minh (91–88 TCN).

Lịch sử.

Ở thời tiền cổ đại, do bán đảo Ý nằm ở vị trí trung tâm Nam Âu và Địa Trung Hải nên nơi đây thường xuyên đón nhận nhiều luồng di cư của các dân tộc khác nhau, trong đó nhiều nhóm bộ tộc nổi lên chiếm lĩnh những vùng đất lớn như người Hy Lạp đã thiết lập các khu định cư Magna Graecia ở miền Nam Ý và đảo Sicily, người Ấn-Âu ở miền Trung, hay người Estrucans ở miền Bắc.

Thời kỳ cổ đại (753 TCN – 476 SCN)

Thời kỳ cổ đại ở Ý, thường được chia thành ba thời kỳ nhỏ:
1. Vương quốc La Mã (chủ yếu được ghi chép theo truyền thuyết),
2. Cộng hòa La Mã, và
3. Đế chế La Mã.

Khởi đầu từ một khu dân cư nằm gần một khúc cạn của sông Tevere, Vương quốc La Mã có mốc giới thành lập vào năm 753 TCN, theo ghi chép của các nhà viết sử thần thoại.

Trải qua 244 năm (753 TCN – 509 TCN) dưới quyền cai trị của bảy vị vua, ban đầu là các vị quân chủ có nguồn gốc Ấn-Âu gồm người Latinh và người Sabini, sau đó là các quốc vương người Etrusca theo truyền thuyết; đến năm 509 TCN, người La Mã đã phế truất vị quốc vương cuối cùng của mình là Tarquinius Superbus, và lập ra chế độ Cộng hòa. Kể từ đây, người Etrusca cũng dần bị đồng hóa vào tộc người nói tiếng Latinh.

Trong 482 năm của nền Cộng hòa (509 TCN – 27 TCN), La Mã đã vươn đến cực nam bán đảo Italy, và thống nhất Ý sau những cuộc nội chiến trên bán đảo, đồng thời mở rộng lãnh thổ của mình tới tận Bắc Phi và Cận đông, thông qua những cuộc chiến tranh với người Phoenicia và Carthagini ở phía Nam và người Macedonia (Hy Lạp) ở phía Đông.

Năm 27 TCN, người thừa kế hợp pháp của Julius Caesar là Octavian tiếp tục chinh phục nốt vùng đất Ai Cập rộng lớn của nữ hoàng Cleopatra, khiến La Mã trở thành một Đế quốc khổng lồ với những vùng lãnh thổ trải dài từ Anh đến biên giới Ba Tư, và nắm giữ toàn bộ bồn địa Địa Trung Hải sau một tiến trình phát triển kéo dài nhiều thế kỷ.

Dưới thời Hoàng đế Traianus (53-117), La Mã lúc này đã chiếm giữ tới 5 triệu km² và trở thành một trong các đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Có ảnh hưởng sâu sắc đến văn minh phương Tây và định hình hầu hết thế giới hiện đại, di sản của Đế chế La Mã để lại đến ngày nay bao gồm, việc sử dụng rộng rãi các ngôn ngữ Roman có nguồn gốc từ tiếng Latinh, chữ số La Mã, chữ cái và lịch phương Tây hiện đại, cũng như việc đạo Cơ Đốc nổi lên thành một tôn giáo tầm cỡ thế giới với số lượng tín đồ lớn.

Khởi đầu từ một người có tên là Jesus (Giêsu) được sinh ra vào năm thứ 4 trước Công nguyên, dưới thời vua Herod Đại đế ở thành Nazared, xứ Judaea, thuộc Jerusalem ở vùng Cận Đông (châu Á) ngày nay, Jesus đã chịu Phép rửa tội vào năm 27 sau Công nguyên rồi chọn ra 12 vị tông đồ và họ cùng ông bắt đầu rao giảng về một đức tin mới: Chính Jesus mới là Đấng Messiah do Thiên chúa Yahweh (Gia-vê) hứa ban cho người Do Thái trong Kinh Thánh (theo như lời các tiên tri Do Thái đã loan báo).

Năm 33 sau Công nguyên, Jesus bị bức hại và chết trên đồi Golgotha, nhưng đức tin mà ông rao giảng đã được các tông đồ, với Pedro (Phêrô) và Paulo (Phaolô) là người khởi xướng, rồi phát triển thành một tôn giáo mới gọi là Kitô giáo, bắt nguồn từ chữ Χριστός (Khristos) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "Đấng được xức dầu”, dịch theo danh hiệu Messiah của Jesus trong tiếng Do Thái (Hebrew).

Dưới thời của Hoàng đế Nero (năm 64), Kitô giáo nhiều lần bị bức hại, và các cuộc đàn áp bắt bớ cũng thường xuyên diễn ra cho đến tận năm 313, khi Hoàng đế Constantinus I ban chiếu chỉ Milan, hợp pháp hóa đạo Kitô thì các cuộc bách hại mới chấm dứt.

Năm 321, Hoàng đế Constantinus I đã hiến tặng lâu đài Laterani cho Giáo hoàng Miltiades, và Đại giáo đường Lateran trở thành nhà thờ chính tòa của Giám mục thành Roma.

Năm 330, Constantinus I dời kinh đô từ Roma về thành Byzantium trên bán đảo Anatolia, và trước khi qua đời không lâu (năm 337), vị Hoàng đế này đã chịu phép rửa tội và trở thành một Kitô hữu.

Ngày 27 tháng 2 năm 380, Theodosius I Đại Đế ban hành Thánh chỉ tại kinh đô Costantinopolis, tuyên bố Kitô giáo trở thành quốc giáo của Đế quốc La Mã.

Năm 395, Đế quốc bị phân chia thành hai nửa Đông và Tây sau một thời gian dài suy yếu, bắt đầu từ năm 285.

Đế quốc phía Tây gồm Hispania (bán đảo Iberia), Gaul (ngày nay là Pháp, Luxembourg, Bỉ, phần lớn Thụy Sĩ phía Tây Bắc Ý, cũng như những phần đất của Hà Lan và Đức ở bờ trái sông Rhine) và Italia, lúc đó liên tục phải chịu áp lực từ các cuộc xâm lăng của những người man di, và cuối cùng tan rã vào năm 476, khi hoàng đế cuối cùng (Romulus Augustus) bị một tù trưởng người German là Odoacer phế truất; còn Đế quốc ở phía Đông (Byzantine) tiếp tục tồn tại thêm gần một nghìn năm nữa. Đế quốc phía Tây tan rã, đồng thời với việc chấm dứt thời kỳ cổ đại trong lịch sử Italia.

Thời kỳ Trung cổ (476 -1453)

Sau khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ vào năm 476, người Ostrogoth (thuộc một nhóm bộ lạc German khác) đã chiếm giữ Ý.

Đến thế kỷ VI, Hoàng đế Đông La Mã, Justinianus I đã chinh phục và kiểm soát được Ý trong một thời gian ngắn, nhưng rồi lại bị người Lombard (một bộ lạc khác thuộc tộc German) chiếm lại, thu hẹp sự hiện diện của Đông La Mã trên bán đảo Ý thành một nhóm các lãnh địa tách biệt (Esarcato di Ravenna), khởi đầu quá trình không thống nhất về chính trị kéo dài trong suốt 1300 năm sau.

Thiên chúa giáo từ sau khi được đưa lên làm quốc giáo thì Nhà thờ, đặc biệt là Giám mục Roma (hay còn gọi là Giáo hoàng), đã đóng một vai trò chính trị hết sức quan trọng trong việc cai trị Đế chế.

Khi đế quốc phía Tây sụp đổ, nhà thờ trở thành chỗ dựa vững chắc để người dân trông cậy, và cũng là nơi duy nhất người ta có thể tới đây để học hành. Không nhận được sự hỗ trợ từ Đông La Mã, các giáo hoàng ở Roma đã phải tự xây dựng lực lượng của mình để đối phó với người Lombard xâm lược.

Vào cuối thế kỷ thứ VIII, các giáo hoàng nhận thấy rằng chọn cách liên minh với triều vua Carolingian của người Franks, để giành lại độc lập chủ quyền là hướng đi thích hợp và cần thiết nhất lúc bấy giờ.

Năm 774, người Lombards bị người Franks đánh bại ở Italia, và Charlemagne (một thân vương đang tranh chấp ngôi vị) đã được Giáo hoàng công nhận là vị vua chính thức của người Franks.

Ngày 25 tháng 12 năm 800, Charlemagne sau khi được Giáo hoàng làm lễ tấn phong và lên ngôi Hoàng đế ở Ý, đã sát nhập vương quốc của người Lombard vào Đế quốc Frank của mình, và khởi đầu một đế quốc mới với tên gọi là Đế chế La Mã thần thánh (Holy Roman Empire).

Mặc dù không bao giờ được đế quốc Byzantine công nhận, nhưng Charlemagne vẫn trao cho Giáo hoàng quyền kiểm soát miền trung Italia, từ đó tạo nên các vùng đất của Giáo hoàng (Papal States) và Roma trở thành thủ đô của người Kitô giáo.

Bước sang nửa đầu thế kỷ IX, Italia cũng chứng kiến những rắc rối khác như vào năm 827, người Ả Rập Hồi giáo được gọi là Aghlabids đã xâm chiếm và chinh phục Sicily.

Năm 846, người Ả Rập Hồi giáo xâm chiếm Roma, cướp phá Nhà thờ Thánh Peter, và đánh cắp tất cả vàng và bạc trong đó. Đáp lại, Giáo hoàng Leo IV bắt đầu cho xây dựng các bức tường Leonine của Thành phố Vatican vào năm 847; và chúng được hoàn thành vào năm 853.

Từ giữa thế kỷ IX đến thế kỷ XI (năm 867-1049) cũng được ghi nhận là thời kỳ suy đồi của các Giáo hoàng La Mã, vì lúc này họ trở thành công cụ của các phe phái chính trị.

Nhiều Giáo hoàng được đưa lên, hoặc bị giam cầm với những cách thức khác nhau, hoặc bị giết hay bị truất phế bởi các thế lực là các gia tộc giàu có của các Giáo hoàng đương thời. Việc dựng lên, hoặc lật đổ các vị Giáo hoàng kéo dài trong suốt 50 năm. Một số gia đình có thế lực như Giáo hoàng John XII còn tổ chức những buổi tiệc trác táng ngay trong điện Lateran. Sự suy đồi này chỉ kết thúc vào năm 1049 khi Leo IX trở thành "Giám mục của Rome”. Ông đã tới thăm các thành phố lớn của châu Âu để trực tiếp giải quyết những vấn đề đạo đức của nhà thờ, đặc biệt là việc buôn thần bán thánh (chức vụ và vị trí trong nhà thờ) cùng tình trạng hôn nhân của hàng giáo sĩ.

Năm 951, ngai vàng của Ý và Đức được hợp nhất.

Người cai trị vương quốc mới, Otto I, tuyên bố rằng liên minh đã hồi sinh đế chế Charlemagne và nhận lại tước hiệu Hoàng đế La Mã thần thánh vào năm 962. Hoàng đế, hay người cai trị cấp dưới của Vương quốc Ý, trên danh nghĩa kiểm soát các công xã (commune) ở Bắc Ý;

Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, chính trị Ý hoàn toàn bị chi phối bởi các mối quan hệ giữa Hoàng đế và Giáo hoàng.

Cuộc đối đầu giữa các Ghibelline (người ủng hộ Hoàng đế) với Guelph (người ủng hộ Giáo hoàng) trong thế kỷ XII – XIII, đã dẫn đến sự kết thúc hệ thống phong kiến Hoàng gia ở phía Bắc nước Ý, nơi các quốc gia thành phố (city-state) giành được độc lập. Chính trong thời kỳ hỗn loạn này, các đô thị của Ý đã chứng kiến sự trỗi dậy của một thể chế kỳ dị: Commune, công xã thời trung cổ của Ý, khác biệt hẳn với châu Âu phong kiến lúc bấy giờ ở phía bắc dãy Alpi (tiếng Anh: Alps). Khi không có quyền lực thống trị nào nổi lên như họ đã làm ở các khu vực khác của châu Âu, quốc gia-thành phố (city-state) trở thành hình thức chính quyền thịnh hành.

Năm 1176, cuộc tranh cãi về đầu tư cuối cùng đã được giải quyết bởi một liên minh gồm các quốc gia thành phố, Liên đoàn Lombard, đã đánh bại hoàng đế Đức, Frederick Barbarossa trong trận Legnano, do đó đảm bảo sự độc lập hiệu quả cho hầu hết các thành phố ở miền bắc và miền trung Ý.

Nhờ vị trí thuận lợi giữa Đông và Tây, các thành phố của Ý như Venice đã trở thành trung tâm thương mại và ngân hàng quốc tế, cùng ngã tư trí tuệ. Milan, Florence và Venice, cũng như một số quốc gia thành phố khác của Ý, đóng một vai trò đổi mới quan trọng trong phát triển tài chính, khi họ sáng tạo ra các công cụ hoạt động của ngân hàng và sự xuất hiện của các hình thức tổ chức kinh tế và xã hội mới.

Trong cùng thời kỳ, Ý cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các nước Cộng hòa Hàng hải khác như Genova, Pisa, Amalfi, Ragusa, Ancona, Gaeta, Noli và Ragusa. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIII, các thành phố này đã chế tạo ra các đội tàu để bảo vệ chính họ và hỗ trợ các mạng lưới thương mại rộng khắp Địa Trung Hải, dẫn đến vai trò thiết yếu trong các cuộc Thập tự chinh.

Các nước Cộng hòa Hàng hải, đặc biệt là Venice và Genève, đã sớm trở thành cửa ngõ chính của châu Âu để giao thương với phương Đông. Quận Savoy đã mở rộng lãnh thổ của mình vào bán đảo từ cuối thời Trung cổ, trong khi Florence phát triển thành một city-state thương mại và tài chính có tổ chức cao, trở thành thủ đô của len, lụa, ngân hàng và trang sức trong nhiều thế kỷ.

Tất cả các thành phố này trong thời gian độc lập đều có hệ thống chính quyền tương tự, trong đó tầng lớp thương gia có quyền lực đáng kể. Sự tự do tương đối về chính trị mà họ có được khiến cho học thuật và nghệ thuật có điều kiện phát triển.

Có quyền thống trị trên các vùng đất khác nhau, bao gồm nhiều đảo ở Địa Trung Hải (đặc biệt là Sardinia và Corsica), các nước Cộng hòa Hàng hải đã thiết lập các thuộc địa đến tận Biển Đen và thường kiểm soát phần lớn giao thương với Đế quốc Byzantine và thế giới Địa Trung Hải - Hồi giáo, cùng các thuộc địa thương mại ở Cận Đông và Bắc Phi. (Cộng hòa Venice còn duy trì những vùng đất rộng lớn ở Hy Lạp, Síp, Istria và Dalmatia cho đến cuối thế kỷ XVII).

Thế kỷ thứ XI cũng chứng kiến việc người Norman chiếm giữ các tài sản của người Bologna và Byzantine (Đế quốc Đông La Mã) ở miền Nam nước Ý; đồng thời chấm dứt sự hiện diện sáu thế kỷ của cả hai cường quốc này trên bán đảo. Đến giữa thế kỷ XI (năm 1053) người Norman cũng chấm dứt sự cai trị của người Hồi giáo ở Sicily. Năm 1158, Byzantines rời khỏi Ý. Năm 1194, Đế chế La Mã thần thánh chinh phục Vương quốc Sicily của người Norman. Thương mại ở các thành quốc (city-state) phát triển đã giúp Giáo hoàng lấy lại được quyền lực của mình, và bắt đầu một cuộc đấu tranh lâu dài với đế chế về cả các vấn đề giáo hội và thế tục.

Với các Dòng tu đã được phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ IX, thời kỳ Trung cổ đã mang đến những thay đổi cơ bản bên trong Giáo hội. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XI, các trường dòng phát triển thành các viện đại học ở khắp nơi như Pháp (Đại học Paris), Ý (Đại học Bologna), Anh (Đại học Oxford)… Ở đây, các trường không chỉ dạy thần học đơn thuần mà sau này còn dạy cả y học, luật pháp, triết học để rồi trở thành nền tảng cho giáo dục hiện đại của Phương Tây.

Trong thời kỳ này, các công trình kiến trúc của Giáo hội cũng đạt đến tầm cao mới, cực điểm là phong cách kiến trúc Roman, Gothic trong các đại giáo đường ở châu Âu.

Được xây dựng và phát triển ban đầu từ các tu viện của Kitô giáo, Triết học kinh viện hình thành trong quá trình chuẩn hóa tri thức đã diễn ra từ thế kỷ IX, với cội nguồn của nó là triết học Hy Lạp cổ đại hậu kỳ. Trải qua các giai đoạn sơ khai từ thế kỷ IX - XI, Triết học kinh viện trở nên cực thịnh vào thế kỷ XIII trong điều kiện văn minh phong kiến và quyền lực nhà thờ phát triển mạnh mẽ. Triết học kinh viện đã sản sinh ra những vĩ nhân thực sự của triết học và văn hóa tinh thần trung cổ như Albertus Magnus, Duns Scotus, William xứ Ockham, Bonaventure, và nổi bật hơn cả là Thomas Aquinas (1225-1274) với Summa Theologica (Tổng luận thần học) là một hợp đề đầy tham vọng, kết hợp triết học Hy Lạp với giáo lý Kitô giáo, và trở thành giáo lý chính thống của Giáo hội Roma, đặc biệt là dòng tu Dominicains (Đa minh).

Về thế tục, từ năm 1095, Giáo hội công giáo Roma cũng đã phát động các cuộc Thập tự chinh, để ủng hộ Hoàng đế Đông La Mã trong việc bảo vệ các tín hữu Kitô giáo chống lại sự bành trướng của quân Thổ Nhĩ Kỳ đại diện cho Hồi giáo ; bên cạnh đó Giáo hội công giáo Roma cũng có tham vọng thu hồi lại những vùng Đất Thánh đã bị mất ở Cận đông và Địa Trung hải. Mặc dù những cuộc thánh chiến mang đậm màu sắc tôn giáo, nhưng giới sử học cho rằng bên trong nó còn có các động cơ kinh tế, chính trị, và xã hội.

Được hậu thuẫn bởi những cải cách quan trọng đang diễn ra, Giáo hoàng Urban II đã ra lời kêu gọi: "Chúa sẽ thưởng công cho những ai chiến đấu vì chính nghĩa” và được những người theo Kitô giáo hưởng ứng rất nhiệt thành, vậy là quan niệm chính nghĩa giờ không chỉ là chịu đựng tội lỗi trong thế giới mà phải là cố gắng chỉnh sửa chúng.

Các cuộc thập tự chinh diễn ra trong thời kỳ mà dân số châu Âu đang tăng lên nhanh chóng, nên nó có động cơ bành trướng đất đai, đúng như những lời mà Giáo hoàng Urban II đã nói với các hiệp sĩ của nước Pháp: "Đất đai mà các bạn cư ngụ thì quá hẹp đối với một dân số lớn; nó cũng không thừa của cải; và khó lòng cung cấp đủ thực phẩm cho những người trồng trọt. Đây là lý do vì sao các bạn phải tàn sát và tàn phá lẫn nhau”.

Ngay sau khi cuộc Thập tự chinh thứ nhất kết thúc (1095-1099), các hiệp sĩ đã hình thành nên một tầng lớp mới: tầng lớp quân đội-tôn giáo. Tầng lớp này cung cấp các đội bảo vệ vũ trang cho những đoàn hành hương về Đất Thánh, bảo vệ dân cư và trở nên rất cần thiết cho các vương triều Phương Tây cũng như đóng vai trò quan trọng trong xã hội châu Âu thời kỳ này.

Mặc dù giành được một số thành công trong những lần chinh phạt (không liên tục từ giữa năm 1095 cho đến năm 1291), nhưng quân Thập tự vẫn không chiếm được Jerusalem và cuối cùng phải rời khỏi vùng Đất Thánh.

Các cuộc chiến tranh tuy làm cạn kiệt dần nguồn lực, song áp lực mà nó tạo ra đã thúc đẩy các ngành nghề trong xã hội phát triển như tài chính, kế toán, ngân hàng, (quản lý thu thuế, chuyển tiền), quân sự (kỹ thuật phòng vệ, xây dựng pháo đài), hàng hải… Nền kinh tế được kích thích bởi thương mại giữa Phương Đông và Phương Tây, và những khát vọng thăm dò, chiếm đoạt, mở rộng Kitô giáo, đã truyền cảm hứng cho chủ nghĩa đế quốc sau này.

Năm 1300, vị giáo hoàng thứ 193 của giáo hội Công giáo Roma, là Bonifacius VIII (tiếng Anh: Boniface VIII) đã khởi xướng Năm Toàn Xá nhân dịp Thế kỷ mới nên rất nhiều giáo hữu đã hành hương đến Roma để kính viếng Đền thờ Thánh Pedro và Thánh tích khăn bà Veronica lau mặt Chúa Jesus chịu thương khó.

Làn sóng người hành hương đến Roma rất đông và thể theo lời yêu cầu của họ, Giáo hoàng Boniface VIII sau đó đã quyết định ban hành ơn toàn xá trong Năm Thánh đầu tiên này và quy định cử hành Năm Thánh 100 năm một lần. Năm Thánh 1300 do ông công bố rất thành công, và quy tụ hơn một triệu người hành hương đến Roma.

Vào thế kỷ XIV, Ý bị chia ra nhiều thành bang và lãnh thổ nhỏ như Vương quốc Napoli (Naples) thì kiểm soát miền nam, Cộng hòa Firenze và Lãnh địa Giáo hoàng kiểm soát vùng trung tâm (miền trung), người Genova và người Milano phía bắc và phía tây, còn người Venezia ở phía đông.

Công tước Milan trở thành tâm điểm của chính trị quyền lực châu Âu trong thế kỷ XV, dẫn đến các cuộc chiến tranh kéo dài và tồn tại đến thế kỷ XVI trước khi nhường chỗ cho thời kỳ đầu hiện đại ở Ý.

Vũ Phan (Biên tập và Lược dịch)

Các tin khác
Dante và Virgil đi qua sông Stix, Minh họ a của Gustave Dore

Inferno (/iɱˈfɛrno/) trong tiếng Ý có nghĩa là Địa ngục. Đây là phần đầu tiên trong sử thi La Divina Commedia của Dante Alighieri, một nhà văn, nhà thơ, và là một chính trị gia người Ý trong giai đoạn hậu kỳ trung cổ thế (kỷ 14).

Hành trình đi qua ba cõi thế giới của Dante

Được xây dựng theo thuật toán và những con số bí ẩn (Numerology) đang rất thịnh hành ở thời Trung cổ, cấu trúc của Comedia nhìn chung hơi khá phức tạp vì nó luôn xoay quanh những con số được coi là thiêng liêng và huyền bí như 1, 3, 7, 9, 10, vì được cho là liên quan đến siêu linh, cùng với thuật chiêm tinh và các nghệ thuật bói toán tương tự khác. Nếu tất cả ba cõi đều tuân theo một mô hình chung là 9+1, thì con số 9 ở Địa Ngục - Luyện Ngục và Thiên Đường đều rất biến ảo. Dựa theo “7 đại tội” (đã được quy nạp trong thời kỳ đầu Kitô giáo), Dante đã tạo thêm 2 tầng trong Địa Ngục, căn cứ vào những tội lỗi phát sinh sau khi Kitô giáo ra đời để thành con số 9, như tội u minh của những người không chịu phép báptêm (vì họ đã chết trước đó hoặc chưa kịp chào đời) ở tầng một, và tội dị giáo ở tầng thứ sáu.

Dante ở Verona, tranh của Antonio Cotti

Được mệnh danh là “Kinh Thánh của thời Trung cổ”, La Divina Commedia (ban đầu được Dante gọi là Comedìa theo tiếng Hy Lạp và phương ngữ Toscan), là một tác phẩm thơ tự sự bao gồm ba phần: Địa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio), và Thiên đường (Paradiso); mỗi phần đều có 33 khúc (canto), và 1 khúc mở đầu, tổng cộng gồm 100 khúc với 14.227 câu thơ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục