ĐỊA NGỤC 1

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/3/2022 | 10:44:40 PM

Khúc mở đầu. Dante bị lạc trong một khu rừng tối. Sau đó ông đã gặp nhà thơ La Mã cổ đại Virgil, và được linh hồn nhà thơ hướng dẫn thoát ra theo một hành trình đi xuyên qua Địa ngục và Luyện ngục.

Dante trong khu rừng tối, tranh minh họa của Gustave Dore
Dante trong khu rừng tối, tranh minh họa của Gustave Dore

 

Lúc ấy là đêm giữa Thứ Năm ngày 7 tháng 4 (hoặc 24 tháng 3) và Thứ Sáu ngày 8 tháng 4 (hoặc 25 tháng 3) năm 1300. 


1. Tôi đã đi hết nửa chặng đường đời,
đường chính đạo bỗng một ngày lạc bước,
rừng tối nên chẳng nhìn thấy đường đi.

4. Không kể xiết bao gian khổ, hiểm nguy
bởi khu rừng vốn hoang vu hiểm trở,
nhớ lại thôi cũng rùng mình khiếp sợ!

7. Vì dẫu chết cũng chẳng đau khổ thế;
nhưng ở đây vẫn có những điều hay,
nên xin kể những gì mình đã thấy.

10. Tôi không biết tại vì sao lúc ấy,
mình lại đi chệch ra khỏi con đường
có lẽ tại tôi vừa đi vừa ngủ.

13. Lúc bừng tỉnh tôi thấy mình ở đó,
dưới chân đồi một thung lũng bao quanh,
trong tim tôi một nỗi sợ lan nhanh,

16. tôi ngước nhìn và thấy nơi sườn núi
ánh mặt trời bỗng rực rỡ bừng lên
khiến mọi thứ lại rõ ràng sáng sủa.

19. Rồi nỗi sợ cũng vơi dần sau đó
như mặt hồ lắng dịu lúc chiều buông
suốt đêm tôi mệt lả thật đáng thương.

22. Tựa như người đã hết hơi kiệt sức
dạt vào bờ từ biển cả mênh mông
ngoái lại nhìn sóng xô đầy hiểm họa,

25. trong lòng tôi vẫn còn nguyên nỗi sợ
mỗi khi tôi nhìn lại quãng đường này
chưa có ai lạc vào mà thoát được.

28. Tôi thả lỏng cơ thể mình, mắt nhắm
đỡ mệt rồi lại bước thấp bước cao,
men bãi biển đìu hiu tôi đi tiếp.

31. Đầu con dốc khi tôi vừa bước đến,
thì hỡi ôi một con báo đốm hoa,
bỗng xuất hiện giữa đất bằng phủ phục;

34. trước mặt tôi nó nằm im bất động,
chẳng rời đi, báo hại chắn hết đường
tôi thậm chí nghĩ mình nên quay lại.

37. Vào lúc ấy ánh sáng ngày vừa rạng
hừng đông lên xen giữa các vì sao
xuân đến rồi, trời đất tuyệt làm sao

40. sự chuyển dịch khơi lên điều tốt đẹp
cho lòng tôi chút hy vọng nhỏ nhoi
với con thú có bộ da lốm đốm

43. đúng vào lúc trời trong và dịu mát;
đến với tôi lại một nỗi kinh hoàng
khi thình lình sư tử kia xuất hiện.

46. Nó dường như muốn giết tôi bằng được
đầu dướn cao, và gầm thét cuồng điên,
đến không khí cũng rùng mình kinh hãi.

49. Rồi tiếp đến lại một con sói cái
dáng gầy gò, vẻ thèm muốn lộ ra
kẻ đói khát khiến bao người tuyệt vọng,

52. tôi nhận thấy điều cực kỳ nghiêm trọng
từ cái nhìn đầy đe dọa làm tôi
hết hy vọng lên đỉnh đồi ẩn náu.

55. Như một kẻ ham chơi từ trong máu,
gặp vận đen thua sạch cả bạc tiền,
hết khóc lóc lại buông xuôi chán nản;

58. con thú kia cũng khiến tôi như vậy,
nó tiến dần từng chút một, đẩy tôi
xa ánh sáng, lùi sâu vào bóng tối.

61. Khi tôi thấy mình đuối dần, lúc ấy
có một người bỗng xuất hiện nhìn tôi
không nói gì chỉ im lìm lặng lẽ.

64. Gặp được người giữa mênh mông hoang vắng,
tôi liền kêu: "Xin ngài hãy thương tôi
dù là ai, ma hay người cũng được”.

67. "Tôi là người, vâng trước đây là vậy,
Lombardy là xứ sở của tôi
đất quê hương là Manto(va) yêu dấu.

70. Tôi chào đời ở Roma vào cuối
thời Caesar, lớn lên dưới triều vua
Augusto, thời thánh thần thổ tả.

73. Tôi làm thơ ngợi ca người công chính
con Anchi(ses) người đã đến từ Troy,
khi kinh thành Ilion bốc cháy.

76. Chốn rắc rối này vì sao ngươi tới?
sao không lên đỉnh núi thú vị kia
nơi khởi đầu của mọi niềm hoan hỷ?”

79. "Ôi Virgil! Phải là ngài không nhỉ ?
mạch nguồn thơ giờ lớn tựa dòng sông”,
tôi đáp lại mặt đỏ bừng xấu hổ.

82. "Ôi thi sĩ, niềm vinh quang, danh dự
luôn sáng soi khiến tôi học không ngừng
thơ ngài tôi thường hay đọc vô cùng.

85. Ngài là thầy, ngài đã tạo nên tôi,
người duy nhất khiến cho tôi học hỏi
cây bút hay làm vinh dự thơ tôi.

88. Con thú kia, ngài xem, nó dồn tôi
quay trở lại, giờ làm tôi run rẩy
xin cứu tôi, hỡi hiền nhân lừng lẫy”.

91. "Vậy nhà ngươi phải theo hành trình khác”,
nói đến đây người ấy bỗng nhìn tôi,
"nếu muốn thoát ra khỏi nơi hoang dã:

94. Vì con thú mà nhà ngươi phát khóc,
nên chẳng ai qua được chỗ này đâu,
nó sẽ cắn và giết ngay lập tức;

97. làm điều ác là bản năng của chúng,
còn lòng tham chẳng có lúc nào vơi,
vừa ăn xong đã thèm thuồng đói khát.

100. Nhiều con vật đã kết đôi cùng nó,
chúng rất nhiều, đến khi chó săn to
ngài xuất hiện thì nó ‘đi’ đau đớn.

103. Vị thần ấy chẳng tham tiền, ăn uống
nhưng biết yêu và đức hạnh, khôn ngoan
nên xứ sở này thanh cao huyền diệu.

106. Các cứu tinh tuẫn nạn vì nước Ý
nữ đồng trinh Cammi(lla) với Niso,
Euria(lo) cùng Turno tử sĩ.

109. Ngài sẽ đuổi khỏi villa con sói,
rồi đem giam vào ngục tối là nơi,
nó ra đi với biết bao dục vọng.

112. Còn với ngươi ta nghĩ điều tốt nhất
hãy đi theo người hướng đạo là ta
chốn vĩnh hằng ta sẽ đưa ngươi tới,

115. ngươi sẽ thấy tiếng hét lên tuyệt vọng,
những âm hồn xưa đau đớn đưa tang
họ than khóc lần thứ hai phải chết;

118. và ngươi sẽ thấy những người vui sướng
trong lửa này, họ hy vọng tới khi
chuộc lỗi xong sẽ tới miền hằng phước.

121. Nếu nhà người muốn đi lên trên đó,
hãy chờ người họ xứng đáng hơn ta:
vào lúc mà hai chúng ta từ giã;

124. Đấng Thượng Đế ở trên cao ngự trị,
bởi vì ta dám chống lại luật trời,
nên không muốn ta bước chân tới đó.

127. Trong tất cả các nơi mà Thượng Đế
cai quản thì cao xanh chính là nơi
ngài lựa chọn, phúc cho ai ở đó!”.

130. Còn tôi nói với nhà thơ: "Thầy hãy
xin dùm tôi dù Thượng Đế không quen,
cho thoát khỏi nơi xấu xa, tồi tệ

133. hãy đưa tôi tới nơi thầy đã nói,
để tôi nhìn thấy cửa thánh Peter
cùng sắc màu của rất nhiều đau khổ”.

136. Thầy cất bước, và tôi liền lẽo đẽo.

PS: Do tác phẩm được dịch theo thể thơ 8 chữ của tiếng Việt, nên một số danh từ riêng trong tác phẩm này chúng tôi không để theo nguyên tác và thay thế bằng cách viết theo từ tiếng Anh hoặc tiếng Việt tương đương để đảm bảo số âm tiết vừa đủ với cấu trúc của câu thơ.




Chú thích:

1. Nguyên văn: Nel mezzo del cammin di nostra vita (Ở giữa cuộc hành trình của cuộc đời chúng ta)
Dante mở đầu bài thơ theo phong cách ngụ ngôn khi tham chiếu đến một câu trong Kinh thánh (Isaiah XXXVIII, 10 và Thánh thi XC, 10) và chính ông cũng đã mô tả cuộc sống của con người như một vòng cung và bắt đầu suy giảm ở tuổi 35 trong Convivio IV, XXIII, 6 và 9: cuộc sống của chúng ta tiếp tục theo hình ảnh của một vòng cung... tăng dần và giảm dần... điểm cao nhất của vòng cung này, tôi tin rằng đó là vào năm thứ ba mươi lăm...
+ Thánh thi XC, 10: Cuộc đời chúng ta kéo dài chừng 70 năm; còn nếu mạnh khỏe thì được tám mươi năm; sự kiêu ngạo đó chỉ mang tới khổ đau và rắc rối, bởi vì một khi nó kết thúc chúng ta sẽ nhanh chóng biến mất.
+ Isaiah XXXVIII, 10: Tôi từng nói: trong những ngày thanh thản của cuộc đời mình, tôi phải đi xuống địa ngục: những năm còn lại của tôi cũng mất đi.
2. Đường chính đạo: nguyên văn "la diritta via” (con đường thẳng).
3. Khu rừng tối: là hình ảnh mà Dante đã từng ngụ ngôn hóa cho tội lỗi của mỗi người trong cuộc đời của họ trong Convivio IV, XXIV, 12 ff: (Khu rừng sai lầm của cuộc đời này): khu rừng tối tăm mà mỗi người chúng ta và toàn thể loài người buộc phải vượt qua, tượng trưng cho tội lỗi và những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua.
7. Ý nói tội lỗi kề cận với cái chết của tâm hồn.
+ Nguyên văn: Tant' è amara che poco è più morte (khi nó còn cay đắng hơn cả chết)
11. Giấc ngủ say trong câu thơ này ám chỉ lý do dẫn đến tội lỗi như Kinh thánh đã từng đề cập trong Thánh thi.
+ Nguyên văn: tant' era pien di sonno a quel punto. (anh ta cảm thấy buồn ngủ vào thời điểm đó)
13-19. Đoạn thơ gợi nhớ đến một hình ảnh quen thuộc trong Kinh thánh: Tôi ngước mắt nhìn lên những ngọn đồi... (Thánh thi CXXI, 1: My eyes are lifted up to the hills: O where will my help come from?); Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, chẳng bước trong bóng tối (Phúc âm John XII, 46: I have come as a light into the world, so that no one who has faith in me will go on living in the dark.)
+ Ánh mặt trời trong câu 17 (nguyên văn: de' raggi del pianeta/tia sáng của hành tinh) trên bình diện ngụ ngôn là biểu tượng thiêng liêng của ân sủng. (Vì mặt trời chính là tấm gương của Thượng đế - Convivio III, XII, 7).
26. Quãng đường này: ám chỉ con đường mà Dante đã đi qua khu rừng tối, ở mức độ ngụ ngôn nó là con đường kết nối tội lỗi với cái chết.
29. Nguyên văn: "sì che ’l piè fermo sempre era ’l più basso” (để chân vẫn luôn ở mức thấp nhất).
38 Ý nói, lúc này là sáng sớm, và vào đúng thời điểm xuân phân (theo quan điểm của khoa học phương Tây là khi mùa xuân bắt đầu tại bán cầu Bắc) nên mặt trời mọc cùng với chòm sao Bạch dương, do đó thời khắc này được coi là thiêng liêng nhất.
+ Nguyên văn: ch’eran con lui quando l’amor divino (ở bên anh với tình yêu thiêng liêng).
43. Ý nói, điểm phân tiết này được coi là thời điểm thuận lợi vì theo quan niệm của các Kitô hữu, Thiên chúa đã khởi tạo nên thế giới vào khoảnh khắc bình minh của mùa xuân.
+ Nguyên văn: l'ora del tempo e la dolce stagione (khoảnh khắc đẹp và mùa dịu dàng);
49. Theo Kinh thánh (Jeremiah V, 6) ba con thú mà Dante gặp ở đây tượng trưng cho ba loại tội lỗi khiến cho những linh hồn không ăn năn phải đọa vào Địa ngục: con báo tượng trưng cho thói dâm đãng, sư tử tượng trưng cho tính kiêu căng, và sói cái tượng trưng cho sự cám dỗ vào vòng tội lỗi.
Còn theo Dante, con sói cái chính là gốc rễ của mọi tệ nạn, và là nguyên nhân đầu tiên của sự rối loạn chính trị và đạo đức đã ngự trị ở Ý vào đầu thế kỷ XIV. Vì vậy mà ông đã tự cho mình lạc bước vào đây trước khi đến với Địa ngục.
+ Với ba loài động vật hoang dã mà Dante đã lần lượt gặp ở các câu 32, 45, 49, nhiều nhà chú giải đã đưa ra giả thuyết: khu rừng trên nằm gần Jerusalem, nơi mà sau đó vực sâu của địa ngục mở ra.
68. Lombardy (tiếng Ý: Lombardia) là một vùng nằm ở miền Bắc nước Ý, thủ phủ là thành phố Milano. Dưới thời trung cổ, thuật ngữ này gắn với khu vực bắc Ý và điều này không còn đúng ở thời kỳ hiện đại.
69. Mantova (tiếng Anh: Mantua) là một đô thị kiểu Ý (commune: công xã), thủ phủ của tỉnh Mantova thuộc vùng Lombardia.
70. Ám chỉ giai đoạn 45-44 TCN, Caesar lên nắm quyền ở Roma và sau đó bị một nhóm nguyên lão nổi loạn do Marcus Junius Brutus lãnh đạo giết chết.

71. Ám chỉ triều đại của Gaius Octavius, cháu trai và là người thừa kế hợp pháp của Caesar,bắt đầu từ ngày 16 tháng 1 năm 27 TCN đến ngày 19 tháng 8 năm 14 SCN; Ông là người đầu tiên được Viện nguyên lão La Mã trao Danh hiệu Augusto, sau khi giành được chiến thắng ở Ai Cập, điều này giúp cho La Mã trở thành đế quốc rộng lớn nhất thế giới vào năm 27 TCN.
+ Augusto (Latinh: Augustus) là một Danh hiệu tương tự như "Hoàng đế La Mã” thường được Viện nguyên lão La Mã trao cho những người đứng đầu đế chế La Mã.
73... 74. Ý nói Aeneas, con trai của vương lão Anchise trong thần thoại Hy Lạp và sử thi Aeneid của Virgil.
75. Theo thần thoại Hy Lạp, Ilion là tên gọi đầu tiên của đô thành Troy dưới triều vua Ilos (sau này Ilion đổi lại là Troy dưới thời vua Priam).

 

Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục