ĐỊA NGỤC 31

  • Cập nhật: Chủ nhật, 18/9/2022 | 9:21:43 PM

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)
Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Đó là buổi chiều Thứ Bảy ngày 9 tháng 4 (hoặc 26 tháng 3) của năm 1300, sau ba giờ chiều.


1. Vừa thấy mặt, thầy bực mình đã mắng,
khiến má tôi dần ửng đỏ cả hai,
sau đó thầy lại nhìn tôi an ủi;

4. như ngọn giáo của Achilles thừa kế
từ cha mình, làm ai đó tổn thương
thì sau đó cũng chữa lành vết loét.

7. Chúng tôi men theo bờ mương rảo bước
bỏ lại sau thung lũng tối thảm sầu,
không rao giảng thầy đi trong im lặng.

10. Ở chốn này ngày và đêm lẫn lộn,
nên mắt tôi không thể thấy xa hơn;
nhưng có tiếng tù và nghe mạnh mẽ,

13. đến mức khiến tất cả thành yếu đuối
tôi vội vàng hướng ánh mắt nhìn theo,
nơi âm thanh như sấm rền vang vọng.

16. Sau thất bại quá đớn đau, khi ấy
vua Charle(magne) đã để mất hậu quân,
nhưng Roland cũng chỉ huy không tệ.

19. Tôi quay đầu và nhìn về phía đó,
tưởng như trông thấy nhiều tháp rất cao;
tôi hỏi thầy: "Đây là nơi nào ạ?”

22. Thầy tôi nói: "Khi ngước nhìn con thấy
từ quá xa nên dẫn đến nhầm sai
trong bóng tối không dễ gì phán đoán.

25. Đến tận nơi, lúc này con sẽ biết,
khoảng cách kia lừa dối giác quan ta
giờ hãy cố bước nhanh lên chút nữa”.

28. Rồi sau đó thầy cầm tay tôi nói:
"Để cho con dần cảm thấy quen hơn
chúng ta sẽ tiến xa về phía trước,

31. con sẽ biết, không phải là ngọn tháp,
quanh bờ mương toàn là lũ khổng lồ,
tất cả chúng đều bị che từ rốn”.

34. Giống như khi sương mù tan, mọi thứ
bắt đầu dần được nhìn thấy rõ hơn
trước khi bị hơi nước giăng che khuất,

37. xuyên qua màn đêm tối đen dày đặc
tôi bước đi, bờ vực tới gần hơn,
nỗi sợ hãi tăng lên vì lầm lẫn;

40. như tường thành bao xung quanh mương nước
Montereg(gione) vương miện tháp điểm tô,
ở quanh bờ toàn khổng lồ đứng gác.

43. lộ nửa thân, sừng sững thay cho tháp
lũ quỷ này trông mới khiếp làm sao
như sấm sét trên trời thường hăm dọa.

46. và tôi đã nhận được ra ai đó,
bộ ngực và một phần bụng, đôi vai,
với cánh tay để dọc sườn buông thõng.

49. Khi tạo hóa quyết định ngừng chế tác
những chiến binh cho thần Mars, tất nhiên
việc làm này chắc chắn là rất đúng.

52. Còn nếu ngài thấy không hề hối tiếc
khi tạo ra loài voi với cá voi,
người khôn ngoan thì cũng nên thận trọng.

55. Bởi nếu như ác tâm và bạo lực
kết hợp cùng với lý trí, tài năng
thì mọi người không cách nào chống đỡ.

58. Kẻ khổng lồ khuôn mặt dài, đồ sộ
như quả thông nhà thờ thánh Peter,
tỉ lệ khác như xương đều cân đối;

61. bờ mương che từ thắt lưng trở xuống
còn phần trên vẫn thấy được, dù cho
tự hào mấy dân Frison vẫn hố

64. chấp ba người, tóc cũng không với tới;
ba mươi gang tôi nhẩm tính từ khuy
áo choàng đến mặt nước mương đen bóng.

67. "Raphel mai amèche…” Lúc đó
một cái mồm trông gớm ghiếc hét lên
bài thánh ca vốn ngọt ngào êm ái.

70. "Hỡi linh hồn ngốc nghếch kia” thầy bảo,
"lấy tù và ra mà thổi mỗi khi
muốn giảm bớt cơn điên hay dục vọng!

73. Ở trên cổ hãy tìm đi sẽ thấy
một sợi dây, nó trói buộc nhà ngươi,
bộ ngực lớn đã che chở cho ngươi”.

76. Rồi thầy kể: "Đây chính là Nimrod;
tự buộc mình, với ý tưởng khùng điên
muốn loài người lại dùng chung ngôn ngữ.

79. Mặc kệ hắn đừng chuyện trò thêm nữa;
vì chẳng ai hiểu nó nói gì đâu
mọi ngôn ngữ cũng giống như hắn vậy”.

82. Đường còn dài nên chúng tôi đi tiếp
mé trái hầm; cách một quãng tên bay;
một khổng lồ dữ tợn hơn xuất hiện.

85. Tôi không biết người chủ nào đã trói
tay hắn ta, bên phải ở đằng sau
còn bên trái thì để ra đằng trước

88. bởi sợi xích quấn xung quanh rất chặt
đủ năm vòng, xoắn từ cổ xuống chân
tới mức chẳng còn một khe nào hở.

91. Thầy tôi nói: "Tên kiêu căng muốn thử
sức của mình chống lại Zeus tối cao
nên phần thưởng của hắn là như vậy.

94. Fialte chứng minh sự vĩ đại
khi đánh vào nỗi sợ của thần linh
dù cánh tay hắn không thể vung lên”.

97. Và tôi nói với thầy mình: "Con muốn,
nếu như con có thể thấy Bri(areus)
bằng mắt mình để có thêm kinh nghiệm”.

100. "Con sẽ được thấy Anteo vì nó
ở gần đây không bị xích, hắn ta
chính là kẻ đưa chúng ta xuống đáy.

103. Còn Bri(areus) kẻ mà con muốn thấy
ở xa hơn và bị trói, ngoài ra
nét mặt hắn trông dữ hơn một chút”.

106. Không có trận động đất nào đủ sức
làm lung lay một ngọn tháp giống như
Fialte quay sống lưng vặn vẹo.

109. Tôi sợ chết như chưa từng sợ thế,
dù giết tôi nỗi sợ cũng đủ rồi,
nếu tôi không thấy xích xiềng của hắn.

112. Thầy trò tôi đi tiếp về phía trước,
thấy Anteo không đầu, đứng dưới mương
bên tảng đá, thân người cao bảy mét.

115. "Hỡi người sống ở trong thung may mắn,
nơi vinh quang Scip(ion) hưởng từ ngươi
khi Hanni(bal) cùng mọi người tháo chạy,

118. chiến lợi phẩm đã thu ngàn sư tử,
ta tin rằng ngươi cùng các anh em
nếu gia nhập cuộc chiến cao thượng đó.

121. Ngươi sẽ thắng những người trên trái đất;
mang chúng tôi xuống đáy ngục, là nơi
Cocytus đã đóng băng lạnh giá.

124. Nhưng đừng làm Tizio tức giận:
hắn làm được điều mong muốn ở đây;
cũng có thế uốn cong lưng ta xuống.

127. Hắn có thể cho ta thành nổi tiếng
khắp thế gian, vì cuộc sống dài lâu
nếu Chúa không gọi hắn ta về trước”.

130. Nghe thầy nói người khổng lồ lập tức
chìa tay ra và nhấc bổng thầy lên,
như đôi tay của Hercules ngày trước.

133. Khi thấy mình được nâng lên, lập tức
thầy bảo tôi: "Lại đây, nắm tay ta”
rồi sau đó thầy và tôi là một.

136. Giống như tháp Carisen(da) xuất hiện
những đám mây, vào lúc nó bay qua
khi nhìn nghiêng chúng nhập vào một phía;

139. thì tôi thấy Anteo giờ cũng vậy
lúc tôi chờ hắn cúi xuống, thật ra
tôi chỉ muốn chuồn nhanh đi nơi khác.

142. Hắn nhẹ nhàng để chúng tôi hạ xuống,
nơi Judas ở cùng với Luci(fer);
nhưng hắn không cúi gập mình ở đó,

145. như cột buồm trên con tàu hắn đứng.




Chú thích: 31
1. Ý nói Virgil, người thầy và cũng là người dẫn đường (hướng đạo) cho Dante đã nổi cáu với ông, vì nhà thơ cứ mải mê đứng nghe hai linh hồn gian dối và giả mạo (Sinon và Adam) cãi nhau ở Địa ngục 30: 130-135.
4-5. Theo Iliad, Achilles được thừa kế những con ngựa bất tử của Peleus và chàng cũng sử dụng luôn chiếc giáo của cha mình.
6. Theo Ullysse trong thần thoại Hy Lạp, những vết thương do cây giáo của Achilles gây ra chỉ cần cạo gỉ sắt ở đầu ngọn giáo đó rồi rắc vào vết thương là khỏi. Trong Remedia Amoris (44-48), Ovid cũng cho rằng cây giáo mà Achilles được thừa kế từ cha mình có đặc tính chữa lành vết thương do chính nó tạo ra.
16. Ý nói trận chiến ở Ronceveaux (Roncesvalles) vào năm 778, đây là một trong những chiến dịch khiến vua Karl I (nguyên tác: Carlo Magno, tên tiếng Anh: Charlemagne) nếm trải sự thất bại đau đớn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông.
+ Theo một số sử gia thì thuở ấy, các vua Hồi giáo thường đánh lẫn nhau. Tướng trấn thủ thành Zaragoza là Sulayman Ben Al-Arabi phản chủ là vua Hồi giáo xứ Cordoba nên cầu cứu Charlemagne; nhưng khi quân của Charlemagne tới thì Ben Al-Arabi lại đổi ý, không cho vào thành. Charlemagne tức giận, đánh bắt được Ben Al-Arabi làm tù binh, rồi rút quân về vì được tin có loạn ở biên thùy phía bắc. Trên đường về đến Ronceveaux, thì các con của Ben Al-Arabi, với sự giúp sức của quân bản địa Vascons (tổ tiên của người Basques ngày nay), tấn công và cứu thoát được Ben Al-Arabi. Bá tước Roland, chỉ huy đạo hậu quân, bị vướng vì chở lỉnh kỉnh nhiều xe của cải hôi được trước đó, đi chậm, nên bị giết với toàn bộ quân sĩ. Đó là một trận thua lớn của Charlemagne.
18. Theo "Trường ca Roland” khi hậu quân của Charlemagne bị bủa vây, bá tước Roland đã chiến đấu rất dũng cảm nhưng vì quân số quá chênh lệch nên đã bị tiêu diệt gần hết. Người chỉ huy hậu quân của Charlemagne bấy giờ mới thổi tiếng tù và, nhưng không phải để kêu cứu mà là kêu gọi Charlemagne báo thù cho mình. Roland thổi to tới mức vỡ thái dương và chết tại chỗ.
41. Monteriggioni là một đô thị (commune) ở tỉnh Siena thuộc vùng Tuscany của Ý. Thành phố này nằm trên một ngọn đồi tự nhiên, được người Sienan xây tường bao quanh vào năm 1214 như một chiến tuyến chống lại Florence.
44. Ý nói Giove đã giáng sấm sét xuống thung lũng Phlégra (Địa ngục 14: 58).
59. Quả thông trong nhà thờ Thánh Pedro là một tác phẩm điêu khắc bằng đồng cổ xưa, cao gần bốn mét được đặt ở phía trước nhà thờ của Giáo hoàng và ngày nay vẫn nằm trong sân do Bramante tạo ra ở cung điện Vatican.
63. Người Frisia là một nhóm dân tộc Đức bản địa sinh sống ở các vùng ven biển của Hà Lan và tây bắc Đức.
76. Nimrod (nguyên tác: Nembrotto) theo Kinh Thánh là con trai của Cush, cháu trai của Ham và chắt của Noah; Kinh thánh cũng nói rằng ông là một thợ săn hùng mạnh trước mặt Chúa và bắt đầu trở nên hùng mạnh trên trái đất. Truyền thống ngoài Kinh thánh liên kết Nimrod với Tháp Babel dẫn đến danh tiếng của ông là vị vua nổi loạn chống lại Thiên Chúa.
+ Theo truyền thống Do Thái và Kitô giáo, Nimrod được coi là thủ lĩnh của những người đã xây dựng Tháp Babel ở vùng đất Shinar, mặc dù Kinh thánh chưa bao giờ thực sự nói rõ điều này (Genesis X, 10). Vương quốc của Nimrod bao gồm các thành phố Babel, Erech, Akkad và có lẽ Calneh ở Shinar.
78. Theo Sáng thế ký XI, loài người trước đây vốn cùng nói chung một ngôn ngữ, nhưng do Nimrod hối thúc mọi người cùng xây tháp Babel để lên thiên đường nên Chúa đã khiến tiếng nói của loài người trở nên lộn xộn để họ không thể hiểu nhau.
92. Trong tôn giáo và thần thoại La Mã, thần Giove hay Jove (tiếng Anh: Jupiter) được người La Mã tôn vinh giống như thần Zeus của người Hy Lạp.
94. Fialte (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ephialtes) là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp và La Mã. Ông là con trai của Poseidon và Ifimedia, hay còn gọi là người khổng lồ Aload. Fialte được coi là kẻ thù cay đắng nhất của các vị thần.
+ Vì muốn tấn công các vị thần trên đỉnh Olympus, Fialte và người anh trai Oto (thường được biết đến với cái tên Aload hay Aloadi) đã đặt trái núi Ossa lên trên đỉnh núi Pelion (ở miền trung Hy Lạp, đồng bằng Phlegra) để trèo lên, vì đã được tiên tri rằng sẽ không bị thần linh hay con người giết chết nên hai anh em họ không sợ bất cứ điều gì.
98. Briareus hoặc Aegaeon (nguyên tác: Briarco) là con của Uranus (bầu trời) & Gaia (mặt đất); và là một trong ba người khổng lồ Hécatonchires có kích thước và sức mạnh kỳ dị trong thần thoại Hy Lạp, như có năm mươi cái đầu và một trăm cánh tay.
100. Anteo hay Antaeus được biết đến trong thần thoại Hy Lạp là người con trai khổng lồ của Poseidon (thần biển) và Gaia (mặt đất), sống ở sa mạc bên trong Libya.
Antaeus là một người khổng lồ cao sáu mươi cánh tay, sống trong một hang động ở thung lũng sông Bagrada, gần Zama và ăn thịt sư tử. Anteo thực sự bất khả chiến bại vì luôn được Gaia tiếp thêm sức mạnh mỗi khi chạm đất.
108. Fialte hay Efialte trong thần thoại Hy Lạp là hai người khổng lồ, con trai của Poseidon và Ifidia.
115. Ý nói thung lũng Zama ở Libya.
116. Scipion hay Publius Cornelius Scipio còn được gọi đơn giản là Scipio Africanus (người phi châu Scipio), là một nhà chính trị và quân sự La Mã, thuộc tầng lớp quý tộc Roma.
+ Scipion nhận được danh hiệu là "Scipio Africanus" sau chiến dịch thắng lợi ở Châu Phi, trong đó ông đánh bại tướng Hannibal của Carthage trong trận chiến Zama.
123. Cocytus (nguyên tác: Cocito) là một trong năm con sông của Địa ngục trong thần thoại Hy Lạp. Ngoài nghĩa là than thở, khóc lóc, nó còn có nghĩa là sông băng.
+ Trong Địa ngục của Dante, đây là một hồ nước lạnh (đóng băng) khổng lồ nằm ở tầng cuối cùng của Địa ngục.
Nước hồ bắt nguồn từ những giọt nước mắt của Veglio di Creta (Địa ngục 14: 94-120) chảy ra từ bức tượng tạo thành những dòng sông Địa ngục (Acheronte, Styx và Flegetonte). Những dòng sông này tiếp tục chảy xuống tầng sâu nhất và bị đóng băng ở Cocytus.
124. Tizio và Tifo (Typhoon) là những người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp.
+ Nguyên văn: Nhưng đừng làm cho Tizio hay Tifo tức giận (Non ci fare ire a Tizio né a Tifo)
136. Carisenda hay Garisenda là hai tòa tháp nằm cạnh nhau của Bologna. Được xây dựng vào năm 1109 bởi Garisendi, ban đầu tòa tháp có chiều cao là sáu mươi mét, sau đó giảm xuống còn bốn mươi tám mét bởi sự sụt lún của đất nền, và khả năng chịu tải cơ học kém.

Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXX, line 38-39)

Tầng địa ngục thứ tám: Vẫn trong Bolgia X Xuất hiện thêm những kẻ gian dối và giả mạo. Cuộc cãi vã bất tận giữa Sinon và Adam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục