ĐỊA NGỤC 3

  • Cập nhật: Chủ nhật, 20/3/2022 | 8:22:31 PM

Cổng Địa ngục. Dante và Virgil nhìn thấy hàng chữ ghi trên lối vào Địa ngục. Khi bước qua cánh cửa này, họ bắt gặp những kẻ nhàm chán vô hồn đang bị trừng phạt. Tiếp tục đi, họ tới một con sông và gặp gỡ Charon, người chèo đò trên sông Acheronte theo truyền thuyết.

Cổng vào Địa ngục_ Tranh khắc gỗ của Gustave Doré
Cổng vào Địa ngục_ Tranh khắc gỗ của Gustave Doré

Đó là buổi tối Thứ Sáu ngày 8 tháng 4 (hoặc 25 tháng 3) năm 1300.


1. "Bước qua đây là đến xứ thảm sầu,
tới nơi này là vĩnh viễn thương đau,
khi bước đi giữa những người đã chết.

4. Sự công bằng tạo nên điều thánh khiết
ta được thánh thần tạo nên bởi quyền năng,
từ tình yêu đầu, với trí tuệ cao nhân.

7. Chẳng có gì được tạo ra trước đó
thế giới ngoài kia sự vĩnh cửu cũng không,
tới đây rồi, hy vọng cũng đừng mong”.

10. Những dòng chữ khắc bên trên cánh cửa
đã nhạt màu nhìn u tối, khiến tôi
khẽ thốt lên: "Nặng nề quá thầy ơi”.

13. Thầy đáp lại, ngôn từ đầy sắc sảo:
"Mọi nghi ngờ hãy trút bỏ ở đây
vì hèn nhát trong lúc này là chết.

16. Đây là chốn ta từng cho ngươi biết
có rất nhiều người khốn khổ đớn đau
ngươi sẽ thấy họ không còn nhận thức”.

19. Sau đó thầy nắm tay tôi bước tiếp
gương mặt rạng ngời khiến tôi cũng yên tâm,
theo gót thầy khám phá điều bí ẩn.

22. Đêm thanh vắng khẽ vang lên tiếng khóc,
tiếng thở dài xen lẫn tiếng thở than,
tôi bắt đầu thấy chột dạ hoang mang.

25. Nhiều thứ tiếng phát ra nghe khủng khiếp,
lời lẽ đau thương và giận dữ, khùng điên
rồi có ai giọng khàn đục vút lên

28. họ tạo ra cảnh ồn ào náo động
trong hào quang chẳng nhuốm chút thời gian,
như bụi cát bị cuốn theo cơn lốc.

31. Đầu óc tôi có cái gì vây kín,
tôi nói: "Thầy ơi, con nghe được ngoài kia
nhân gian dường có việc chi đau khổ?”

34. Thầy trả lời: "Cảnh đáng thương ngoài đó
vốn dành cho kẻ nhàm chán, vô hồn
sống trên đời nhưng chẳng dám mở mồm.

37. Họ hòa vào dàn đồng ca xấu xí
không trung thành cũng chẳng phải phiến quân
chẳng vì Chúa, chỉ vì chính bản thân.

40. Thiên đàng bất dung nên lẽ nào nhận họ,
địa ngục thẳm sâu cũng ngán ngẩm chối từ,
vì cái xấu thường huênh hoang tưởng đẹp”.

43. Tôi lại hỏi: "Có điều gì bi thảm
mà khiến cho họ kêu khóc quá chừng?”
thầy trả lời: "Nói một cách giản đơn.

46. Họ đến chết cũng không còn hy vọng
và sống trong sự thấp kém mù lòa,
thường đố kỵ với cuộc đời người khác.

49. Tên tuổi họ thế gian dần quên lãng;
đến lòng thương, công lý cũng coi thường
bước qua họ mà đi đừng bàn luận”.

52. Và lúc đó bỗng một cơn gió lốc
vừa xoay tròn lá cờ chạy rất nhanh
không ngừng nghỉ gió dường như thổi mãi;

55. sau lá cờ một đoàn người đông đúc
xếp hàng dài đến chẳng thể nào tin
rằng thần chết lại ra tay nhanh thế.

58. Tôi cũng thấy có một vài khuôn mặt
trông rất quen vì từng đã gặp qua
vẻ đớn hèn vẫn còn nguyên bóng dáng.

61. Tôi lập tức hiểu điều này, tin chắc
đây đúng là lũ tệ mạt xấu xa,
Chúa Trời và kẻ thù đều khinh ghét.

64. Lũ bất lương chẳng bao giờ nhận thức
mình lõa lồ, trông khiêu khích đến ghê
như lũ ruồi và loài ong vò vẽ.

67. Trên mặt chúng máu túa cùng nước mắt
trộn vào nhau rồi chảy xuống dưới chân
nơi dòi bọ đang chực chờ để uống.

70. Đúng lúc đó nhìn từ xa tôi bỗng
thấy nhiều người đang lố nhố bên sông;
"Thầy cho con hỏi một chút được không?

73. Con vừa thấy trong ráng chiều nhạt nắng
rất nhiều người như đang vội qua sông
họ là ai, luật lệ nào cho phép”.

76. Thầy đáp lời: "Những điều ngươi muốn biết
đợi khi nào chúng ta tới bờ sông
và dừng bước bên Ache(ron) ảm đạm”.

79. Tôi xấu hổ bèn cúi đầu nhìn xuống,
chỉ sợ mình lỡ miệng nói linh tinh,
rồi đi đến bên dòng sông biết nói.

82. Một con thuyền nhắm chúng tôi lướt tới
có ông già tóc bạc trắng hét lên:
"Khốn khổ chưa, những linh hồn sa đọa!

85. Chẳng bao giờ thấy trời xanh lại nữa
bờ bên kia ta đến chở ngươi sang
với bóng tối và lửa thiêu, băng giá.

88. Ngươi thì khác, còn tâm hồn sức sống,
nhưng tại sao lại lạc bước tới đây
hãy tránh xa những đám người đã chết”.

91. Thấy tôi vẫn chưa rời đi ông nói:
"Bến sông này nhưng không phải nơi đây:
hãy tìm đường với thuyền nhẹ qua ngay”.

94. "Đừng lo lắng, Charon”, thầy tôi nói
"nơi cần đi chúng tôi biết, làm ơn
đừng cật vấn những điều không đáng thế”.

97. Tôi thấy lão nét mặt dần dịu xuống
người lái đò nhìn mặt nước âm u,
xung quanh mắt hằn những vòng lửa đỏ.

100. Các hồn ma lõa lồ trông mệt mỏi,
mặt tái đi, răng lập cập va nhau
khi được nghe toàn những lời phỉ báng.

103. Họ nguyền rủa từ người thân đến Chúa,
rủa loài người cùng nòi giống, quê hương
cả trẻ con, đứa còn trong bụng mẹ.

106. Rồi sau đó lại quay sang xúm xít
bên bờ sông hết khóc lại kêu than
đây là chỗ bọn người không sợ Chúa.

109. Lão Charon mắt đỏ hồng như lửa,
ra dấu cho họ chuẩn bị lên thuyền;
mái chèo nện vào kẻ nào chậm trễ.

112. Vào mùa thu lá chuyển sang vàng úa
rồi rụng đi chỉ còn lại thân cành
trên mặt đất xác vương đầy ngập lối,

115. tương tự thế đám cháu con độc ác
của Adam lại giành giật lên thuyền,
như bầy chim theo lệnh người điều khiển.

118. Rồi cứ thế chúng vượt dòng nước đục
qua bên kia và khi sắp tới bờ,
thì tốp khác bờ bên này xuất hiện.

121. "Con trai ta!”, thầy ân cần giải thích:
"những kẻ nào Chúa trừng phạt tất nhiên,
dù ở đâu cũng về đây tập hợp”,

124. và bọn họ sẵn sàng qua sông lớn,
công lý thiêng liêng khích lệ chúng vượt qua,
nỗi sợ hãi giờ biến thành ham muốn.

127. Ở nơi này không dành cho người tốt
nên Charon mới cáu kỉnh thốt lên
giờ thì con hiểu vì sao rồi đó”.

130. Thầy vừa dứt liền tối sầm, lập tức
khắp mọi nơi bỗng rung chuyển ầm ầm
toàn thân tôi mồ hôi vã ướt đầm.

133. Đất buồn bã làm mưa sa gió táp,
chớp ngang trời, hồng rực nhuộm không gian
điều đó khiến tôi mất dần cảm giác;

136. Rồi thiếp đi như người ngủ rất say.




Chú thích: 3
1-9. Chữ khắc trên cánh cửa Địa ngục ám chỉ người tạo ra cánh cửa này là Thiên chúa, vì khổ thơ được xây dựng theo chức năng của công lý Ba Ngôi, và biểu thị bằng các thuộc tính của nó:
+ Chúa Cha : Vị thần linh thiêng
+ Chúa Con : Trí tuệ cao nhất
+ Chúa Thánh Thần : Tình yêu đầu tiên
7-9. Ý nói trước khi địa ngục, thiên đường hay thiên thần… được tạo ra, thế giới vĩnh cửu là vật chất vô hình.
+ Khổ thơ này lặp lại một câu tương tự trong đoạn trích từ Aeneid (VI, 126-129) của Virgil.
18. Ý nói những người này đã mất hết hy vọng được thị kiến Đức Chúa trời vì "những gì tốt đẹp của trí tuệ” chính là chân lý tối cao của Thượng đế (theo Aristotle).
+ Nguyên văn: c’hanno perduto il ben de l’intelletto (họ đã đánh mất những gì tốt đẹp của trí tuệ).
22-30. Những âm thanh vang lên trong Địa ngục được Dante mô tả giống như trong Avermus (thế giới ngầm) của Virgil (Aeneid, VI 557-558).
29. Ý nói bóng tối vĩnh cửu.
+ Nguyên văn: sempre in quell'aura sanza tempo tinta (luôn luôn trong hào quang mà không có thời gian nhuốm màu).
35. Nhàm chán, vô hồn: ý nói những người không có danh tiếng và không được tụng ca.
38. Phiến quân: là người tham gia vào các hoạt động nổi loạn (hoặc nổi dậy), chống lại chính quyền.
42. Ý nói, kẻ đáng nguyền rủa có thể tự hào với kẻ ngu dốt, nhưng kẻ ngu dốt thực ra lại không phạm tội.
+ Nguyên văn: ch'alcuna gloria i rei avrebber d'elli (một số vinh quang mà tội lỗi sẽ có trong số đó).
51. Nguyên văn: non ragioniam di lor, ma guarda e passa (chúng ta đừng nói gì về chúng, mà hãy nhìn và vượt qua)
+ Đây là một câu nói nổi tiếng của Dante.
59-60. Hai câu này gần như chắc chắn chỉ ra đây là linh hồn của Celestine V, người đã đưa ra lời từ chối việc từ bỏ phẩm giá của giáo hoàng, diễn ra vào ngày 13 tháng 12 năm 1294 và sau đó Boniface VIII đã được bầu. Đây chính là vị giáo hoàng đã gián tiếp gây ra sự lưu đày của Dante; và những người khác (dù nhiều cách giải thích vẫn chưa thấu đáo) như Esau, Pilato, Julian the Apostate...
74-75. Theo thần thoại Hy Lạp, địa phủ (Hades) là một nơi ảm đạm, tối tăm và lạnh lẽo. Những người trần thế khi kết thúc số mệnh của mình thì biến thành những hình bóng vật vờ để đi vào vực thẳm sâu hun hút dẫn tới lòng đất. Những bóng hình ấy cũng phải đi qua con sông Styx nước đục, bùn lầy, và quanh năm lạnh buốt.
Triết học Hy Lạp sau này thêm vào ý tưởng rằng linh hồn người chết sẽ bị phán xét ở địa phủ, tùy theo công tội mà thưởng phạt. Rất ít người trong thần thoại Hy Lạp có thể đặt chân đến địa phủ mà có thể quay về, ngoại trừ Heracles, Aeneas và Psyche.
78. Acheronte (tiếng Anh: Acheron) trong thần thoại Hy Lạp cổ đại được gọi là dòng sông khốn khổ, và là một trong năm con sông của thế giới ngầm Hy Lạp. Trong những bài thơ của Homer, Acheron được mô tả như một dòng sông của địa ngục (Hades), trong đó Cocytus và Phlegethon đều chảy. Nhà thơ La Mã Virgil đã gọi nó là dòng sông chính của Tartarus (Vực thẳm), và cả hai dòng sông Styx và Cocytus đều bắt nguồn từ đó. Những người mới chết sẽ được Charon đưa qua Acheron để vào Địa ngục.
83-94. Ám chỉ Charon (nguyên tác: Caron), người lái đò ở địa ngục theo quan niệm của người Hy Lạp cổ đại.
+ Trong đoạn thơ này, hình dáng của Charon, có sự tương đồng với người lái đò trong thế giới ngầm như Virgil đã mô tả trong cuốn Aeneid VI. So với hình ảnh Charon cổ điển, Charon của Dante có vẻ hung dữ hơn với đặc điểm ngọn lửa bao quanh đôi mắt.
93. Ý nói, hai thầy trò Dante không cần phải xuống Địa ngục mà có thể dùng thuyền nhẹ đi thẳng lên bờ biển Luyện ngục
96. Cật vấn: hỏi han kiểu vặn vẹo.
112... 114. Các âm hồn nhiều như lá vàng mùa thu rơi rụng là một hình ảnh được trích dẫn từ Aeneid VI, 305-312.
115... 116. Đám cháu con độc ác của Adam: ám chỉ tội lỗi giết người thân của mình.
+ Theo Kinh thánh (Sáng Thế IV), Cain vì ghen tỵ với em (khi thấy Chúa trời không nhận lễ dâng của mình mà chỉ nhận lễ của Abel) nên đã gây ra tội lỗi đầu tiên của loài người là giết chết em trai mình và trở thành tên sát nhân đầu tiên, cũng là người đầu tiên trên thế giới bị nguyền rủa.
123. Ý nói địa ngục.
131... 134. Thời trung cổ, người ta tin rằng, động đất là do các khối khí nén vào ruột trái đất, và sét là do sự phun trào đột ngột của hơi nước.

Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục