ĐỊA NGỤC 4

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/3/2022 | 11:02:43 AM

Tầng địa ngục thứ nhất: Limbo Nơi trú ngụ của những linh hồn sống đạo đức nhưng vô thần và chưa được rửa tội. Ở đây Dante đã được gặp các nhà thơ vĩ đại như Homer, Horace, Ovid… và các triết gia như Socrates, Aristotle…

Đó là buổi tối Thứ Sáu ngày 8 tháng 4 (hoặc 25 tháng 3) năm 1300.



1. Giấc ngủ say đến giữa chừng đứt quãng
tôi giật mình bởi tiếng sét nổ vang
âm thanh đó khiến tôi bừng tỉnh thức;

4. tôi ngước nhìn xung quanh mình một lúc
rồi đứng lên mắt nhìn ngó khắp nơi
cố nhận biết nơi mà mình đang đứng.

7. Chính xác là tôi ở bên bờ vực
của nỗi đau sâu không đáy thảm sầu
nơi thu nhận tiếng kêu than hỗn loạn.

10. Vực sâu tối nhìn mơ hồ thăm thẳm
tôi cố xem đáy của nó ở đâu,
nhưng chẳng thấy bất cứ gì rõ rệt.

13. "Thế giới mù? Phải chăng là đã đến?”
thầy nói xong mặt tái mét, bảo tôi:
"Ta đi đầu, còn sau đó là ngươi”.

16. Khi nhận thấy gương mặt thầy đổi sắc,
tôi thốt lên: "Thầy cũng thấy sợ sao?
thầy mà sợ, con làm sao đi nổi?”

19. "Nỗi thống khổ của âm hồn bên dưới”
thầy bảo tôi: "đã truyền cả sang ta
sự cảm thông chớ hiểu là sợ hãi.

22. Đường còn dài, phải đi thôi” thầy nói,
rồi bước đi và tôi bước theo sau
vào vòng xoáy tầng đầu tiên sầu thảm.

25. Ở nơi đó những gì tôi nghe được,
chẳng có khóc than, chỉ toàn tiếng thở dài,
khiến không gian cũng bàng hoàng run rẩy;

28. tiếng thở dài của đám đông, hết thảy
là trẻ thơ, đàn ông với đàn bà
họ không bị những cực hình đe dọa.

31. Thầy lại bảo: "Vì sao con không hỏi
những âm hồn con đang thấy là ai?
Con sẽ rõ nếu đi thêm chút nữa,

34. họ vốn dĩ không phải là tội phạm,
có công lao nhưng chưa lễ báptêm
như tín ngưỡng Đức tin mà ngươi có;

37. họ sinh ra lúc Kitô chưa có,
nên chẳng ai biết thờ Chúa Ba ngôi
ta cũng thế, nào khác gì bọn họ.

40. Khiếm khuyết đó không phải là tội lỗi
nhưng mất đi cũng sẽ bị tổn thương
vì ham muốn mà sống không hy vọng”.

43. Nghe thầy nói tôi thấy lòng buồn bã
vì nhận ra có không ít vĩ nhân
phép báptêm họ chưa từng rửa tội.

46. "Thầy của con, hỡi chúa công”, tôi nói,
"cho con hay để con được yên tâm
về Đức tin chiến thắng mọi sai lầm;

49. chẳng lẽ nào không có ai thoát được,
còn công lao, vì người khác, phước lành?”
nghe tôi hỏi thầy hiểu ngay ẩn ý.

52. "Ta mới đến cõi này chưa lâu lắm”,
thầy trả lời, "lúc gặp một kỳ nhân,
vòng hào quang tỏa trên đầu chói sáng.

55. Ngài mang tới Người Đầu tiên, sau đó
là Abel, tiếp nối đến Noah,
rồi Moses biết vâng lời, ban luật;

58. vị trưởng tộc Abram, vua David,
Israel cùng cha với các con,
và Rachel người được Ngài ưu ái.

61. Nhiều người khác cũng được Ngài ban phước,
ta muốn con hiểu rằng họ trước đây
không một ai linh hồn được cứu rỗi”.

64. Thầy vẫn nói và chân không dừng bước
tới cánh rừng, chúng tôi tiếp tục đi
càng vào sâu âm hồn càng dày đặc.

67. Không xa chỗ tôi đã từng ngủ thiếp
đúng lúc này một đám cháy bốc lên
khiến một nửa bầu trời đen rực sáng.

70. Dù chỗ cháy không ở gần đây lắm
tôi vẫn tin nơi ấy rất đông người
họ có lẽ là những người đáng kính.

73. "Ôi nghệ sĩ và các nhà khoa học,
họ là ai mà lại được tôn vinh
số phận họ có khác gì người khác?”

76. "Danh tiếng họ rất lẫy lừng” thầy đáp,
"trong cuộc đời nơi trần thế mãi vang,
nên Thượng Đế ban cho nhiều ân phước”.

79. Đúng lúc ấy tôi bỗng nghe ai nói:
"Hãy vinh danh thi sĩ của chúng ta
người vừa đi, nay đã quay trở lại!”

82. Lời vừa dứt tôi thấy liền lúc ấy,
bốn vĩ nhân tiến gần đến chỗ tôi;
vẻ bên ngoài không buồn cũng không vui.

85. Người thầy tốt khẽ bảo tôi: "Con hãy,
nhìn kỹ ngài đang cầm kiếm trong tay,
như chúa công của ba người còn lại.

88. Thi sĩ mù Homer là ngài ấy;
còn Horace hay châm biếm, tiếp theo
là Ovid, và Lucan người cuối.

91. Về tên tuổi ai cũng đều xứng đáng
với danh xưng mà ta biết, cho nên
họ nghĩ ta cũng đáng được tôn vinh”.

94. Trước mắt tôi, một tao đàn tuyệt mỹ
rồi bài thơ được vị chúa xướng lên
giọng ngân nga như phượng hoàng bay lượn.

97. Bốn người đó đứng chuyện trò một lúc,
rồi quay sang ra dấu hiệu chào tôi,
thầy chứng kiến và mỉm cười lúc ấy;

100. tôi thậm chí còn nhận vinh dự lớn,
khi được là người thứ sáu tham gia
nhóm tao đàn với những người hiểu biết.

103. Miền ánh sáng gọi chúng tôi đi tiếp,
nói về điều "người im lặng” ở đây,
chuyện lan man lại thành bàn thế sự.

106. Chúng tôi đi qua lâu đài tráng lệ
được bao quanh bởi bảy lớp tường thành
cùng con sông nhỏ đẹp xinh bảo vệ.

109. Rồi vượt qua vùng khô cằn sỏi đá;
gặp hiền nhân sau bảy cánh cổng to;
xong băng qua đồng cỏ xanh mướt mát.

112. Đôi mắt họ nhìn trang nghiêm, chậm chạp
vẻ bên ngoài trông oai vệ, uy nghi
tuy ít nói nhưng nhẹ nhàng hết mực.

115. Chúng tôi đến chỗ một người đang hát,
âm vực cao, giọng rất sáng và vang,
từ nơi này có thể nhìn thấy hết.

118. Trước mặt tôi, trên nền xanh ngọc bích,
nhiều âm hồn rất vĩ đại hiển linh,
mới thoạt trông tôi đã đầy phấn khích.

121. Tôi đã thấy Electra, thậm chí
người cùng thời Aeneas, Hector
và Caesar, mắt như chim ưng lớn.

124. Tôi đã thấy Camil(la) và Penthe(silea),
vua Lati(nus) ngồi ở phía đằng kia,
cùng Lavi(na) con gái ngài bên cạnh.

127. Bruto người thắng chàng Tarquin,
Luc(retia), Julia, rồi Martia, Cornel(ia),
ngồi một mình, tôi đã thấy Sala(din).

130. Tôi nhướn mày nhìn lên phía cao hơn,
và đã thấy người mà ai cũng biết
thầy ngồi đó giữa gia đình triết học.

133. Ai cũng đều hướng về thầy kính phục
Plato tôi đã thấy lúc này
Socrat(es) là người ngồi bên cạnh;

136. Demo(critus) là nhà ngẫu nhiên chủ nghĩa
cùng Dio(genes), Anaxa(goras), Thales,
Hera(clitus) và Zeno, Empedoc(les);

139. Tôi đã thấy Diosco(rides), và thấy
Orpheus và Tulio, Lino,
cả Sene(ca) một triết gia khắc kỷ.

142. Oclide, và Ptolemy
Hippo(crates) và Avi(cenna), Galen,
Averroès rất tài khi bình luận.

145. Tôi không thể kể ra đây tất cả,
bởi quá dài nó sẽ cuốn tôi đi,
và nhiều lúc cũng khó bề diễn tả.

148. Nhóm sáu người giờ hai người mờ khuất,
người dẫn đường khôn ngoan lại đưa tôi
ra khỏi chốn hào quang theo hướng khác.

151. Để đi đến nơi không còn ánh sáng.



Chú thích: 4
Limbo (Latin: limbus) theo tín ngưỡng của các Kitô hữu là một tầng trung gian ở giữa trần thế và địa ngục. Đây là nơi trú ngụ tạm thời của những người tốt đã chết trước khi Chúa Jesus phục sinh và những đứa trẻ chưa được rửa tội (vì đã chết trước khi chào đời), do đó họ không phạm tội cá nhân, nhưng chưa được giải thoát khỏi tội lỗi nguyên thủy thông qua bí tích rửa tội.
Limbo không phải là một học thuyết chính thống của Giáo hội Công giáo hay các giáo phái của Kitô giáo. Trong thần học của Giáo hội Công giáo chỉ đề cập đến một khái niệm trên bờ vực gần kề với địa ngục. Đây là một ý tưởng sơ khai về tình trạng thế giới bên kia của những người chết.
Theo học thuyết của thánh Thomas Aquinas, Limbo là một trạng thái của hạnh phúc tự nhiên, không giống như Thiên đường là nơi có hạnh phúc siêu nhiên. Do đó, sẽ không có đau khổ hay hình phạt nào trong đó (Somma Teologica; Supp. Phần III; Q.2).
2. tiếng sét nổ vang : nguyên văn " un greve truono” (một ngai vàng nặng nề), ám chỉ ân sủng chiếu sáng, đã giúp cho nhà thơ tỉnh dậy.
29. Ý nói những linh hồn ở bên bờ Acheron, giống như Virgil từng mô tả trong Aeneid (VI, 306-307 ff): phụ nữ và đàn ông, con trai và con gái vẫn chưa kết hôn.
38. Chúa Ba ngôi: ý nói giáo lý Ba ngôi, chỉ có một Thiên chúa duy nhất hiện hữu trong ba thân vị: Chúa cha, Chúa con, và Chúa Thánh thần (Thánh linh).
39. Vergil (70–19 TCN): sinh ra và mất đi trước khi đạo Kitô ra đời.
42. Theo Kinh thánh (John III, 5) những người không chịu lễ rửa tội thì sau khi chết sẽ không được lên Thiên đường.
46. Chúa công: từ bề tôi gọi người chủ của mình một cách tôn kính.
53. Ý nói Chúa trời (God)
55. Người Đầu Tiên: ý nói Adam vì trong Kinh Thánh (Sáng thế II, 7-19) ông là người đầu tiên được Chúa tạo ra trên mặt đất, và Adam trong tiếng Do Thái cũng có nghĩa là người đàn ông đầu tiên.
56. Trong Kinh thánh:
+ Abel là con trai thứ hai của Adam, người bị chính anh trai mình là Cain giết chết (Sáng thế IV, 2)
+ Noah là tộc trưởng thứ 10 cũng là người nối dõi duy nhất của Abraham sau trận Đại hồng thủy (Sáng thế X, 1-32). Noah cũng được miêu tả là "người khai thác đất đầu tiên" và là người phát minh ra rượu vang (Sáng thế IX, 20-21).
57. Moses là một lãnh tụ tinh thần khi nhận lãnh việc dẫn dắt dân tộc Do Thái vượt thoát khỏi kiếp nô lệ ở xứ Ai Cập. Ông cũng là người thiết lập nên cơ cấu chính quyền và một hệ thống luật pháp quí giá cho dân tộc mình (Xuất hành: VI - XL).
58. Theo Kinh Thánh: Abram nghĩa là "cha cao quý” hoặc "người cha được tôn kính”. Ông là người được Thiên chúa kêu gọi rời bỏ quê hương ở thành Ur để đến vùng đất mới Canaan với một giao ước: tôn thờ Yahweh là Thiên chúa duy nhất của vũ trụ, và ông được nhận lãnh phước hạnh dư dật của Thiên chúa cho đến đời đời. Vì vậy, Abram được coi là vị tổ phụ của dân Do Thái và người Ảrập.
+ David theo tiếng Do Thái có nghĩa là "Người được yêu mến”. Ông là vị vua thứ hai của Vương quốc Israel thống nhất. Theo Kinh thánh, David là người được Thiên Chúa tuyển chọn để cai trị dân Israel và loan truyền đức tin "Thiên Chúa là Đấng đồng hành ở giữa con người”(I Samuel XVI, 1-13).
59. Israel là tên mới do Đức Chúa trời đặt cho Jacob sau khi ông chiến đấu và thắng được Chúa trời (Sáng thế XXXII, 28). Jacob sau này trở thành tổ phụ của 12 chi tộc Israel do ông và bốn người vợ sinh ra.
60. Ám chỉ việc Rachel được Đức Chúa trời trong lúc nhớ tới đã "nhậm lời và cho nàng sinh sản” (Sáng thế ký XXX, 22)
86. Thanh kiếm Homer cầm trên tay ám chỉ đến việc đây là một nhà thơ chiến binh (đặc biệt là trong Iliad), nhưng cũng là một ẩn ý về sự vượt trội của Homer so với ba người còn lại.
89. Horace (65-8TCN) là nhà thơ của "thế kỷ vàng” trong văn học La Mã.
90. Ovid hay Ovidius (43 TCN – 17/18 SCN) là một nhà thơ La Mã nổi tiếng với các tác phẩm Heroides, Amores, và Ars Amatoria.
+ Lucan hay Lucanus (39–65 sau CN), là một nhà thơ La Mã, sinh ra ở Corduba (Tây Ban Nha). Ông được coi là một trong những nhân vật xuất sắc, đặc biệt được biết đến với tác phẩm sử thi Pharsalia.
94. Tao đàn (từ cũ): nhóm các nhà thơ, nhà văn…
106. Lâu đài tráng lệ: ý nói lâu đài của "những linh hồn vĩ đại" phần lớn đề cập đến Champs Elysees của Aeneid (VI, 638 ff.), Đặc biệt các nhà thơ thường đặt mình trên một loại đất cao mà từ đó họ có thể nhìn thấy tất cả các linh hồn (tương tự như Luyện ngục VII, 70, khi Sordello chỉ cho Dante và Virgil linh hồn của các hoàng tử bất cẩn trong thung lũng).
107… 110. Bảy bức tường và bảy cổng của lâu đài là đối tượng của những giả thuyết diễn giải đa dạng nhất: bảy nghệ thuật tự do, bảy đức tính, bảy bộ phận của triết học...
121. Electra là con gái của vua Agamemnon và Clytemnestra, công chúa của Argos trong thần thoại Hy Lạp.
122. Hector (hay Hektor) là Hoàng tử thành Troy, và cũng là một trong những chiến binh vĩ đại nhất trong cuộc chiến thành Troy.
+ Aeneas là người đã xây dựng nên thành Roma theo thần thoại Hy Lạp và sử thi Aeneid của Virgil.
124. Camilla và Penthesilea là hai nhân vật trong thiên anh hùng ca Eneide của Virgilio, gắn liền với lịch sử và truyền thuyết về Roma.
125. Latinus: vua của Latium, cha của Lavina.
127. Bruto: Người đánh bại Tarquin và trở thành lãnh chúa đầu tiên của Cộng hòa La Mã.
128. Bốn gương mặt phụ nữ đại biểu cho đức hạnh La Mã.
129. Saladin (1137–1193) là Hồi vương của Ai Cập và Syria, người sáng lập ra triều đại Ayyub và từng đánh bại các Thập tự quân Châu Âu.
131. "người mà ai cũng biết”: ý nói Aristotle, do tầm quan trọng của ông trong Thomism và thần học Kitô giáo.
+ Triết học của Aristotle đã được thánh Thomas Aquinas kết hợp với các nguyên tắc của Kitô giáo, tạo nên giáo lý chính thống cho Giáo hội Roma, đặc biệt là dòng tu Dominicains.
134. Platon hay Plato (k.427–347 TCN) là một nhà triết học cổ đại Hy Lạp được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực.
135. Sokrates hay Socrates (469/470–399 TCN) là một nhà tư tưởng, bậc thầy về truy vấn, triết gia Hy Lạp cổ đại.
136. Democritus (khoảng 460 - ? TCN) là một triết gia người Hy Lạp, là học trò của Leucippus và cùng với Leucippus tạo ra thuyết nguyên tử thô sơ.
137. Diogenes (404/412–323TCN) là một nhà triết học Hy Lạp và là một trong những người sáng lập nên trường phái triết học Hoài nghi.
+ Anaxagoras (500–428 TCN) là một nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Ông là nhà triết học đầu tiên mang triết học từ Ionia tới Athens.
+ Thales (khoảng 624–546TCN) là một nhà toán học, là người đứng đầu trong bảy nhà hiền triết Hy Lạp, và được coi là "cha đẻ của khoa học".
138. Empedocles (khoảng 490–430 TCN) là một nhà triết học Hy Lạp. Ông là người khởi xướng cho thuyết nguồn gốc vũ trụ tạo bởi bốn nguyên tố cổ điển là đất, không khí, lửa và nước.
+ Heraclitus hay Hêraclit (535 – 475 TCN) một nhà triết học duy vật và được coi là ông tổ của phép biện chứng.
+ Zeno hay Zenon là Hoàng đế Đông La Mã từ năm 474 tới năm 475 và lần thứ hai: từ năm 476 tới năm 491.
139. Dioscorides là một bác sĩ Hy Lạp, dược sĩ, nhà thực vật học, và là tác giả của cuốn sách dược liệu De Materia Medica.
140. Orpheus hay Orphée là một trong 9 thi sĩ danh tiếng của Hy Lạp cổ đại.
+ Tulio hay Tullius (106–43 TCN) là một chính khách và nhà hùng biện La Mã.
+ Lino hay Linus là nhà thơ về thần thoại Hy Lạp, cùng với Orphée, được xem là người cha của nghệ thuật trữ tình.
141. Seneca (4 TCN – 65 SCN) là một triết gia La Mã, thầy học của Nero và cuối cùng bị Nero giết.
142. Oclide hay Euclid thành Alexandria sống vào thế kỉ 3 TCN là nhà toán học lỗi lạc thời cổ đại Hy Lạp. Ông được mệnh danh là cha đẻ của hình học.
+ Ptolemy hay Ptolémée (khoảng 90–168) là một nhà toán học, thiên văn học và địa lý học Hy Lạp, sống ở Alexandrie (Ai Cập) được xem là nhà thiên văn nổi tiếng nhất của thời cổ đại.
143. Hippocrates được xem là cha đẻ của Y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại.
+ Avicenna (980–1037) là một nhà triết học và thầy thuốc nổi tiếng người Ả rập.
+ Galen (129–200/217) hay còn gọi là Galen vùng Pergamon là một thầy thuốc và nhà triết học nổi tiếng người La Mã gốc Hy Lạp, và có lẽ là nhà nghiên cứu y học tài ba nhất của thời La Mã.
144. Averroès (1126–1198) là một triết gia và thầy thuốc người Ảrập nổi tiếng.
149. Người dẫn đường khôn ngoan: ý nói Virgil.

Pic: Các nhà thơ và các nhà hiền triết _ Tranh minh họa của Gustave Dóre (1832-1883)

Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục