ĐỊA NGỤC 7

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2022 | 9:12:59 PM

Tầng địa ngục thứ tư. Nơi những người tham lam thích tích trữ tài sản, những người hà tiện, và những người luôn tiêu xài một cách hoang phí bị trừng phạt. Trên đường đi xuống tầng địa ngục thứ năm, Dante chứng kiến cảnh những kẻ phẫn nộ, bao gồm cả những người lười biếng bị trừng phạt.

Dante và Virgil trong Địa ngục, tranh của William-Adolphe Bouguereau, 1850
Dante và Virgil trong Địa ngục, tranh của William-Adolphe Bouguereau, 1850

Đó là đêm giữa Thứ Sáu ngày 8 tháng 4 (hoặc 25 tháng 3) và Thứ Bảy ngày 9 tháng 4 (hoặc 26 tháng 3) năm 1300.



1. "Giáo hoàng ơi, Satan kìa, báo động!”
giọng mỉa mai Plutus kêu lên;
nhà hiền triết, người cái gì cũng biết.

4. "Đừng lo lắng” thầy nhìn tôi khuyến khích
"sợ cũng không ngăn được chúng ta đi
xuống nơi đó dù hắn đầy quyền lực”.

7. Rồi quay sang cái mõm sưng phồng rộp
thầy quát lên: "Sói đáng ghét, câm ngay
muốn nổi điên thì biến ra chỗ khác!

10. Ngục tối này tự nhiên ta xuống chắc
mà điều này được quyết định bởi nơi
thánh Micae trừng trị bầy phản nghịch”.

13. Như cánh buồm gió đang căng bỗng xẹp
vì cột buồm gãy gục, cuốn vào nhau
con quái thú bỗng ngã lăn ra đất.

16. Tầng thứ tư. Chúng tôi giờ bước tiếp,
cứ men theo con đường dốc sầu bi
tội ác như chất chồng đầy vũ trụ.

19. Ôi! Công lý của Chúa trời, tất cả
nhét vào đây mọi đau đớn cực hình
tội lỗi nào khiến con người sa ngã?

22. Như xoáy nước trên vực Charybdis,
vỡ tung ra khi sóng cuộn vào nhau,
mọi âm hồn đều phải vào vòng nhảy.

25. Người ở đây tôi thấy nhiều hơn cả,
hết bên này gào thét lại bên kia,
dùng ngực mình đẩy những hòn đá lớn.

28. Đâm vào nhau rồi họ cùng quay lại,
đẩy nó về vị trí cũ, miệng rên:
"sao cứ giữ khư khư?”; "sao hoang phí?”

31. Cứ vậy họ theo vòng tròn lạnh lẽo
di chuyển dần tới điểm đối diện kia
miệng không ngớt điệp khúc gào với thét;

34. rồi từng người họ lại quay trở lại,
sau khi đi hết một nửa vòng tròn.
Trước cảnh đó, tim tôi buồn tan nát,

37. tôi hỏi thầy: "Xin hãy cho con biết
những người đi ở bên trái chúng ta
họ là ai, phải chăng là tăng lữ”.

40. Thầy trả lời: "Tất cả bọn mù ấy
suốt cuộc đời đều chẳng biết nghĩ suy,
nên không biết tiêu pha cho đúng mực.

43. Lời họ nói phân rõ ràng điều đó,
khi đụng nhau ở hai điểm vòng tròn,
nơi lỗi lầm của họ là đối lập.

46. Những tăng lữ trên đầu không có tóc
còn Giáo hoàng cùng với Đức Hồng y
tính keo kiệt, lòng tham là tột bực”.

49. Tôi liền đáp: "Thưa thầy, con cũng biết
một vài người trong số họ ở đây
vì đã phạm vào hai điều ô uế”.

52. Thầy bảo tôi: "Nếu như con nghĩ thế
vô ích thôi, bọn chúng quá hôi tanh,
và u tối nên không còn nhận biết.

55. Một ngày chúng sẽ chui ra khỏi mộ
và gặp nhau ở một điểm: kẻ thì
tay nắm chặt; còn kẻ kia trần trụi.

58. Hai tội lỗi: Không biết cho và giữ
đẩy họ đi và cuộc chiến xảy ra
về điều này chẳng còn gì để nói.

61. Con thấy đấy, một trò đùa ngắn ngủi
tranh giành nhau mọi của cải trên đời,
rồi cuối cùng giao thần tài cất giữ;

64. dưới ánh trăng, bạc vàng và mọi thứ
chẳng khiến cho họ đỡ mỏi mệt hơn,
phút thảnh thơi thì lại càng không thể”.

67. "Thầy kính mến, xin giảng cho con rõ:
vị thần tài thầy vừa nói là ai,
mà trông giữ khắp thế gian của cải?”

70. "Những sinh linh ôi sao mà khờ dại,
thầy nhìn tôi: bảo dốt lại kêu ngoa
con muốn hiểu điều mà ta vừa nói.

73. Đấng Tối cao trí huệ hơn tất cả,
thiên đường và người thống trị đều do
Ngài tạo ra để khắp nơi tỏa sáng,

76. sự sáng ấy rất đều nhau, tương tự
những huy hoàng của hết thảy thế gian
mệnh lệnh đó truyền cho người lãnh đạo,

79. của phù du thì chuyển từ người nọ
sang người kia hoặc dòng tộc, quốc gia
vượt qua cả những bản năng nghiệt ngã.

82. Nên có người trị vì và bị trị,
phải tuân theo sự phán xét tội hình,
huyền bí như rắn ẩn mình dưới cỏ.

85. Trình độ ngươi không thể nào chống lại
việc thánh thần phán xử các tội nhân,
cũng như việc chính quyền đang làm vậy.

88. Sự hoán đổi chẳng khiến việc ngừng bắn
không xảy ra nên cần phải nhanh hơn;
vì số phận vẫn thường hay thay đổi.

91. Là vị thần được đặt trên thập giá
bởi những người vẫn luôn hát ngợi ca,
nhưng sai lầm đổi giọng ngay đổ lỗi;

94. Chẳng bận tâm, thần vẫn vui vẻ với
các thiên thần; và phước báu được trao
cùng quả cầu cuốn theo niềm hạnh phúc.

97. Giờ chúng ta đi xuống sâu hơn nữa,
khá thảm thương: Nghĩa địa các vì sao
nhưng chốn này chớ dừng chân lâu quá”.

100. Chúng tôi đi tới mé vòng tròn đó,
từ trên cao nước đổ xuống bắn tung,
rồi chảy vào một cái khe gần đấy.

103. Nước đen bóng giống như là thuốc nhuộm,
lần mò theo những con sóng tối thui,
chúng tôi bước vào con đường kỳ lạ.

106. Nước suối theo cái khe buồn thảm đó,
chảy quanh co qua những vách đá xanh,
rồi đổ vào đầm có tên Styx.

109. Tôi dừng lại nhìn nơi này chăm chú,
rất nhiều người dưới đó nhuốm bùn dơ,
họ lõa lồ, gương mặt đầy giận dữ.

112. Không dùng tay, họ đánh nhau chí tử,
bằng cái đầu rồi dùng ngực và chân,
còn hàm răng thì đớp rồi cắn xé.

115. "Kẻ thắng thế lúc này con đã thấy
là những tên trông cuồng nộ làm sao”
thầy lại nói: "nhưng con nên chấp nhận

118. ở dưới kia vẫn còn bong bóng nước
của những ai vừa buông tiếng thở dài
cho con biết nơi chúng đang ẩn nấp”.

121. Đứng trong bùn những người này họ nói:
"Dù mặt trời và làn gió dịu êm,
chúng tôi vẫn thấy trong mình buồn bã.

124. Giờ lại sống trong bùn đen, ủ rũ
bài ca buồn mắc trong cổ họ luôn
vì không thể thốt thành lời hoàn hảo”.

127. Đi một vòng quanh cái đầm hôi thối,
một bên khô một bên ướt; chúng tôi
nhìn những kẻ đang ngốn bùn nhơ nhớt.

130. Rồi chúng tôi đến dưới chân ngọn tháp.

Chú thích: 7
1. Câu này trong nguyên tác là tiếng Latin: "Pape Satàn, pape Satàn aleppe!” và có nhiều cách hiểu khác nhau.
2. Plutus (Ploutos) vị thần của sự giàu có Hy Lạp (vì nguồn khoáng sản được tìm thấy dưới lòng đất), thường được hợp nhất với vị thần La Mã Pluto đã được nhắc đến trong Địa ngục 6: 115.
11-12. Ám chỉ việc Lucife (hay còn gọi là Satan ở câu 1) và các thiên thần nổi loạn bị thánh Micae trừng phạt.
+ Thánh Micae (hoặc Michael, Míchaël) là một tổng lãnh thiên thần trong niềm tin của Do Thái giáo, các giáo hội Kitô giáo và Hồi giáo. Trong tiếng Do Thái, Micae còn có nghĩa là "Ai bằng Thiên Chúa?".
16. Tầng địa ngục thứ tư là nơi tra tấn những kẻ tham lam, keo kiệt và những kẻ hoang phí.
22. Charybdis (hay Cariddi) là tên một mũi đất nhô ra biển ở Sicilia. Trong thần thoại Hy Lạp, Charybdis là một con quái vật biển chuyên hút nước vào miệng rồi phun ra những xoáy nước.
28-30.Hình phạt cho kẻ tham lam, hoang đàng gợi nhớ đến hình phạt của Sisyphus hoặc hình phạt của các linh hồn trong Tartarus lăn các tảng đá mà Aeneas nhìn thấy trong Aeneid VI, 616-617 ff.
45. Tham lam, keo kiệt và hoang phí là hai sự cực đoan đối lập nhau, nhưng cả hai đều bắt nguồn từ sự ích kỷ, tư vị của con người.
57. Kẻ keo kiệt, bủn xỉn thì "bàn tay nắm chặt”;
Kẻ hoang phí thì "trần trụi” tức là không còn gì.
58-60. Trong Convivio (X - XIII), Dante cũng có lập trường chống lại những người coi sự giàu có là giá trị hình thành trong cuộc sống.
+ Không biết cho: ý nói tội tham lam, keo kiệt, bủn xỉn;
+ Không biết giữ: ý nói tội hoang phí.
64-66. Ý nói tất cả vàng trên thế giới sẽ không thỏa mãn những khát khao của những kẻ đáng nguyền rủa này khi chúng còn sống, nhưng bây giờ nó cũng không thể làm giảm bớt nỗi đau của chúng (giả thuyết thứ hai có vẻ thích hợp hơn).
108. Trong thần thoại Hy Lạp, Styx là con sông tạo nên ranh giới giữa trần gian và âm phủ (thế giới thuộc quyền cai trị của thần Hades). Con sông này bao quanh thế giới của thần Hades 9 vòng.

Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục