ĐỊA NGỤC 8

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/5/2022 | 2:04:04 PM

Tầng địa ngục thứ năm. Nơi những kẻ giận dữ và lười biếng bị trừng phạt. Phlegyas miễn cưỡng đưa Dante và Virgil lên chiếc thuyền nhỏ của mình để vượt qua vùng đầm lầy Styx. Gặp gỡ Filippo Argenti. Đến thành phố Dite, hai nhà thơ bị bọn quỷ sứ ngăn cản không cho đi qua.

Tranh minh họa của Gustave Dore (Infenor, canto VIII, line 27-29)
Tranh minh họa của Gustave Dore (Infenor, canto VIII, line 27-29)

Đó là đêm Thứ Bảy ngày 9 tháng 4 (hoặc 26 tháng 3) năm 1300.



1. Như đã nói, khi chúng tôi đi tới
bên dưới chân một ngọn tháp rất cao
mắt chúng tôi đều hướng nhìn lên đỉnh

4. ở trên đó tôi thấy hai đốm lửa,
và có thêm một đốm nữa xa hơn,
nhìn lâu lâu cũng thấy đau cả mắt.

7. Tôi hỏi thầy, một đại dương biển học:
"Lửa trên kia ý muốn nói điều gì?
và thưa thầy, ai tạo ra bọn chúng?

10. Thầy tôi đáp: "Những gì sau lớp sóng
bẩn đằng kia con sẽ biết nếu như
không bị đám sương đầm lầy che khuất.

13. Như mũi tên rời cây cung bay vút
trong thinh không xé toạc gió hiện ra
con thuyền nhỏ lao nhanh trên mặt nước

16. trong nháy mắt con thuyền này đã đến
trước chúng tôi, người chèo lái gào lên:
"Linh hồn kia, ta đến đây để bắt!”

19. "Phlegyas! Đừng gào lên vô ích,
việc của ngươi”, thầy quát lớn, "là đưa
hai chúng ta qua sông bùn này đã”.

22. Nhận ra mình sai lầm từ phút đó
Phlegyas thấy hối hận vô cùng,
liền đấu dịu và không còn giận dữ.

25. Thầy của tôi bước xuống thuyền, sau đó
đưa tay ra đỡ tôi bước xuống theo;
lúc có tôi thuyền bỗng hơi lún xuống.

28. Thầy và tôi an vị xong khi ấy,
con thuyền kia mới rẽ sóng lướt đi,
mái chèo dường nặng hơn bao lần khác.

31. Trong lúc thuyền lướt đi trên mặt nước,
một âm hồn bùn bê bết ló ra,
hắn hỏi tôi: "Ngài bây giờ mới đến?”

34. Tôi trả lời: "Đi ngang thôi, anh bạn
cậu là ai sao bùn đất đến ghê?”
"Ngài thấy đấy, tôi người-đang-than-khóc”.

37. "Vậy ở đấy mà ngồi than với khóc
dù bùn dơ ta cũng đã nhận ra
tên âm hồn đáng nguyền rủa, tránh ra”.

40. Hắn giang tay định lao vào, lúc đó
thầy của tôi đã gạt hắn ra xa.
"Hãy cút đi cùng những con chó khác”.

43. Ôm lấy tôi, thầy vòng tay lên cổ
hôn tôi xong, thầy nói: "Phúc cho ai
đã thái nghén sinh được người như cậu.

46. Trên trần thế, gã là tên kiêu ngạo
trong thâm tâm chẳng có chút ân tình
nên linh hồn cũng giận dữ khùng điên.
49. Có bao kẻ coi mình là vĩ đại
mà xuống đây như đám lợn giữa bùn
chỉ còn lại sự khinh thường khủng khiếp!”

52. Tôi bảo thầy: "Con rất mong được thấy
hắn chết trôi trong dòng nước bẩn đen
trước khi rời khỏi đầm lầy Styx”.

55. Thầy tôi đáp: "Trước khi thuyền sang tới
bờ bên kia, con sẽ được hài lòng,
vì mong ước sẽ làm con vui sướng”.

58. Sau đó tôi thấy một màn đau đớn
đám âm hồn bùn đất trét khắp nơi,
xin ngợi khen và cảm ơn Thượng Đế.

61. Cứ nhè thẳng vào chính mình để cắn
sự điên khùng thật kỳ quái Firen(ze)
"Filippo (Argenti)!” Mọi người hét vang lên.

64. Bỏ mặc hắn, chúng tôi không nói nữa,
bên tai tôi giờ tiếng khóc tiếng than,
khiến tôi phải nhìn trước sau quan sát.

67. Thày bảo tôi: "Con trai ta, sắp đến
một đô thành có tên gọi Dite,
mộ người chết ở đây nhiều vô số”.

70. Tôi trả lời: "Thưa thầy, con đã thấy
những nhà thờ Hồi giáo phía xa xa,
trong thung lũng rực hồng như ánh lửa”.

73. Thầy nói tiếp: "Vĩnh hằng là ngọn lửa
cháy bên trong và tỏa những sắc hồng,
như con thấy nơi thẳm sâu Địa ngục”.

76. Rồi chúng tôi đến thành đô sầu thảm
một hào sâu bao quanh nó, bức tường
đối với tôi trông như làm bằng sắt.

79. Đi một vòng quanh đô thành rộng lớn,
đến một nơi, lái thuyền bảo chúng tôi:
"Hãy xuống đi, đến nơi rồi”, lão khóc.

82. Tôi nhìn thấy hơn cả ngàn con quỷ
từ thiên đường chúng nhảy xuống hét lên
"Hắn là ai? Sao hắn ta chưa chết.

85. Vương quốc này sao hắn ta dám đến?”
thầy của tôi chợt ra dấu lặng im
ý muốn nói đây là điều bí mật.

88. Sự khinh miệt giảm bớt đi một chút
chúng bảo thầy: "Nói hắn hãy đi đi
vương quốc này chớ táo gan mò đến.
91. Hãy quay về theo con đường hắn biết,
thật điên rồ; còn ngươi ở lại đây,
để tự hắn vượt qua miền tăm tối”.

94. Bạn nghĩ xem nghe những lời như thế
tôi đau lòng và nhụt chí biết bao
chẳng dám tin ngày trở về trần thế.

97. "Thầy kính mến, hơn bảy lần thầy đã
cứu giúp con, đưa ra khỏi hiểm nguy
luôn cho con sự an toàn, che chở,

100. đừng bỏ con, đừng khiến con tuyệt vọng;
nếu chúng không cho đi xuống sâu hơn,
thầy trò ta sẽ cùng nhau quay lại”.

103. Người nhận lãnh đưa tôi vào địa ngục
bảo tôi rằng: "Không phải sợ, chúng ta
đã được phép thì chẳng ai ngăn được.

106. Giờ con cứ đợi ở đây, hy vọng
tinh thần con không mệt mỏi lo âu
tới đây rồi ta chẳng bỏ con đâu”.

109. Rồi người thầy tôi kính yêu sải bước
để lại tôi cùng lo lắng nghi ngờ,
có hay không, trong đầu tôi thật rối.

112. Không nghe được điều họ đang trao đổi;
song thầy tôi cũng nói chuyện không lâu,
rồi bọn chúng chạy vù vào cánh cổng.

115. Trước mặt thầy chúng đóng sầm cửa lại
bỏ thầy tôi đứng trơ khấc một mình
quay trở lại thầy bước đi chầm chậm,

118. mắt nhìn xuống và lông mi đã cạo
dù táo gan, thầy vẫn khẽ thở dài:
"Bọn chúng cấm ta vào nơi đầy ải!

121. Con biết đấy bởi vì ta giận dữ
nhưng chớ lo, dù bọn chúng cản ngăn
chúng ta vẫn vượt được qua trận đấu.

124. Sự ngạo mạn như thế này không mới;
vì chúng từng làm điều đó ở nơi,
cánh cổng ấy giờ không tìm thấy nữa.

127. Dòng chữ chết trên kia con có thấy:
và ở đây cảnh báo đã giảm đi,
cứ băng qua, con không cần hộ tống.

130. Và thành phố trước mắt tôi mở rộng”.

Chú thích: 8
13-15. Khổ thơ này Dante dường như lặp lại cách mô tả của Virgil trong Aeneid X, 247-248 ff. (chạy trên sóng, nhanh hơn phi tiêu và tia sáng ngang với gió).
19. Phlegyas là vua của Lapiths trong thần thoại Hy Lạp. Ông cũng là một biểu tượng của sự giận dữ do đã đốt đền thờ của vị thần Apollo (theo sử thi Aeneid của Virgil).
27. Vì Dante là người còn sống nên chiếc thuyền mới hơi lún xuống.
36. Ám chỉ Filippo Argenti hay Filippo Cavicciuoli, (không rõ năm sinh và năm mất), là một thành viên của gia đình Adimari ở Florentine, sống cùng thời với Dante Alighieri.
+ Filippo Cavicciuoli có biệt danh "Argenti" hoặc "Argente" là do thói kiêu ngạo đi giày bạc cho ngựa, và sẵn sàng đánh thẳng vào mặt những ai nếu dám đến gần ngựa của anh ta.
68. Thành phố Dis, tiếng Ý là Dite /diːte/. Trong thần thoại La Mã cổ đại, Dis Pater là người cai trị thế giới ngầm và được đặt tên như vậy trong cuốn sách thứ sáu "Aeneid” của Virgil.
127. Ý nói dòng chữ trên cổng vào Địa ngục.

----------------
Virgil và Dante tới đô thành Dite.
Tranh minh họa của Gustave Dore (Inferno 8: 82-93)

Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục