ĐỊA NGỤC 12

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2022 | 2:57:54 PM

Tầng địa ngục thứ bảy: Lối vào vòng ngục thứ nhất. Minotaur canh cửa nơi những kẻ hại người bằng bạo lực bị nhấn chìm dưới dòng sông máu Flegetonte. Gặp gỡ các nhân mã trong đó có Chiron, người nuôi dưỡng Achille. Sau đó hai thầy trò Dante được Nesso dẫn đường để vượt qua sông máu.

Tranh minh họa của Gustave Dore (Inferno_canto XII_Line 67-75)
Tranh minh họa của Gustave Dore (Inferno_canto XII_Line 67-75)

Đó là đêm Thứ Bảy ngày 9 tháng 4 (hoặc 26 tháng 3) năm 1300, khoảng bốn giờ sáng.


1. Lối đi xuống là một con dốc đứng
chúng tôi đi men vách núi chênh vênh,
bởi vậy mà ánh mắt ai cũng tránh.

4. Nhìn sang sườn núi Trento bên cạnh
thời cổ sơ từng giáng xuống Adi(ge),
trận động đất khiến trời long đất lở,

7. từ đỉnh núi, đất đá ầm ầm đổ,
xuống cánh đồng, những tảng đá vỡ tan,
tạo thành một con dốc cao đi xuống:

10. qua sườn núi đất xói mòn dẫn tới;
vực thẳm sâu ở bên dưới lộ ra
Crete phơi bày điều ô nhục

13. được ẩn giấu dưới tượng con bò giả;
thấy chúng tôi, nó tự cắn xé mình,
vẻ tức giận của một người yếu đuối.

16. Nhà thông thái của tôi liền quát hỏi:
"Mày nghĩ đây là công tước Athens,
người tặng mày cái chết trên trần thế?

19. Đồ súc sinh! Cút ngay đi, người ấy
không đến đây cùng chị gái mày đâu,
mà để coi chúng bay bị trừng phạt”.

22. Như con bò xổng khỏi chuồng lúc đó
nó vùng vằng như muốn dứt sợi dây,
nhưng không được nên lồng lên giận dữ,

25. Và tôi thấy Minota(uro) cũng thế;
"Chạy ngay qua lỗ hổng ấy” thầy tôi,
vội kêu lên, "chớ bỏ qua cơ hội”.

28. Hai thầy trò chúng tôi lao nhanh tới,
đá dưới chân cứ lạo xạo, trượt đi
do chúng tôi ai nấy đều bước vội.

31. "Con nghĩ sao, quái thú này” thầy hỏi,
"lại ngồi canh đống đổ nát ở đây
cả cơn điên ta mới vừa dập tắt.

34. Nhưng có điều ta muốn cho con biết
nơi này ta đã từng đến, trước kia
những tảng đá vẫn chưa hề rơi xuống.

37. Nếu ta nhớ không nhầm thì chắc chắn
không bao lâu khi Chúa giáng xuống đây,
cùng miếng mồi ở trên tầng thứ nhất.

40. Từ mọi phía của vực sâu ghê tởm
bỗng rùng rùng những chuyển động, khiến ta
tin tưởng là tình yêu đang trở lại

43. khi thế giới quay về thời hỗn loạn;
lúc bấy giờ những tảng đá nguyên sơ
ở nơi đây và khắp nơi sụp đổ.

46. Nhưng con hãy dán mắt nhìn xuống dưới,
sắp tới gần dòng sông máu đang sôi,
nơi đợi kẻ hại người bằng bạo lực”.

49. Ôi, cơn giận, sự tham lam mù quáng,
đẩy chúng ta vào ngõ cụt cuộc đời,
rồi chìm đắm trong khốn cùng vĩnh viễn!

52. Một con mương giống như vòng cung lớn,
tôi thấy đang ôm trọn cả cánh đồng,
đúng như thầy hướng đạo tôi đã nói;

55. lối đi giữa bờ mương và vách núi
có một bầy nhân mã với cung tên
trông giống như đám thợ săn trần thế.

58. Thấy chúng tôi, tất cả liền kéo tới,
tách khỏi hàng, ba nhân mã bước ra
với cung tên đã sẵn sàng nhắm bắn;

61. một đứa hỏi: "Chịu cực hình gì thế?
Hai tên đi từ trên dốc xuống kia,
trả lời mau nếu không tao sẽ bắn”.

64. Thầy tôi đáp: "Câu trả lời sẽ có
nhưng chúng ta muốn nói với Chiron
còn các ngươi sao vẫn thô bạo thế”.

67. "Nesso đó” thầy nhìn tôi nói khẽ,
"người chết vì nàng Deja(nira) đáng yêu
nhưng cuối cùng mối thù này cũng trả.

70. Kẻ đứng giữa, mắt đang nhìn xuống ngực,
là Chiron, người nuôi dưỡng Achilles;
kia, Pholus kẻ luôn đầy giận dữ.

73. Quanh bờ mương hàng nghìn tên bọn chúng
dùng cung tên bắn ai định ngoi lên
khi máu họ chưa đền xong tội lỗi”.

76. Lúc chúng tôi tiến đến gần đám ấy:
Chiron liền rút ra một mũi tên
cùng dấu khắc, rồi gạt râu ria mép.

79. Khi đã lộ ra cái mồm rộng ngoác,
tên Chiron nói với bạn đồng hành:
"Ngươi thấy không? Gã đi sau… tiếng động?

82. Người đã chết không thể làm vậy được”.
Thầy của tôi liền bước tới, bấy giờ
mặt đối mặt, nhìn thẳng tên nhân mã,

85. "Đúng là vậy, nhưng chỉ mình gã đó”,
thầy trả lời, "ta chỉ dẫn đi thăm
thung lũng này; chẳng phải vì thích thú.

88. Một vị thánh hát khúc ca ngợi Chúa
đã giao tôi thực hiện sứ mạng này:
còn người kia không phải quân trộm cướp.

91. Bậc Đức Hạnh đã khiến tôi cất bước
trên con đường xuyên rừng núi hoang vu,
việc chỉ đường, xin ngài hãy giúp cho,

94. để tôi biết chỗ nông sâu mà lội
hay dùng lưng giúp đỡ cậu chàng này
chẳng phải hồn nên không xuyên không được”.

97. Quay sang phải, nhìn Nesso lúc đó
Chiron kêu: "Ngươi hãy dẫn họ đi,
Gặp toán canh thì lệnh cho chúng tránh”.

100. Tiếp tục đi cùng với người hộ tống
chúng tôi men theo sông máu trào sôi,
người bị luộc tiếng kêu vang đâu đó.

103. Thấy nhiều kẻ bị ngập ngang mí mắt;
gã bảo tôi: "Tuyền bạo chúa, sài lang
chuyên cướp bóc, giết người không gớm máu.

106. Đây là nơi chúng khóc than tội ác;
Dio(nisio) và Ales(sandro) đã khiến cho
Sicilia trải bao năm đau khổ;

109. Và người có mái tóc dài đen kịt
là Azzo(lino); còn mang bộ tóc hung
là Opi(zzo) người đến từ Esti.

112. Nhưng người này bị con riêng giết chết”.
Thầy bảo tôi, "người hướng đạo cho con:
ta thứ hai, còn người này thứ nhất”

115. Đi chút nữa thì Nesso dừng lại
trước đám người dường đang muốn thoát ra
dòng sông máu đã ngập sâu tới cổ.

118. Chỉ vào hồn đang đứng riêng, rồi nói:
"Kẻ này đâm trước Thiên Chúa một người
sông Tama(si) trái tim còn rỉ máu”.

121. Tôi cũng thấy nhiều người ôm đầu máu
hoặc nửa người nhô lên khỏi dòng sông;
trong số đó có nhiều người tôi biết.

124. Đi càng xa nước sông càng xuống thấp
rồi cạn dần, chỉ xâm xấp bàn chân;
và ở đây chúng tôi vượt qua sông.

127. "Như người thấy bên này”, nhân mã nói
"sông cạn dần, máu cũng đã ngừng sôi
vì vậy mà tôi mong người hãy hiểu

130. mé bên kia lòng sông dần sâu xuống
cho đến khi nó tiếp nối với nơi
sự chuyên chế bạo tàn đang rên rỉ.

133. Điều tuyệt vời này đến từ công lý
Attila, kẻ đã gặp tai ương
trên trái đất; cùng Pia(ro) rồi Set(to)

136. dòng nước mắt cứ không ngừng, chảy mãi
từ Rini(er): Corne(to) với Pazzo,
từng gây chiến trên rất nhiều thành phố”.

139. Sau đó thì quỉ Nesso quay lại; còn chúng tôi từ chỗ cạn qua sông.

Chú thích: 12
1-9. Dante mô tả cảnh quan ở Địa ngục thông qua các sự kiện và hiện tượng tự nhiên đã từng xảy ra trên trái đất, như trận động đất ở giữa thung lũng Adige, hay còn gọi là trận động đất ở Valle Tridentina là một sự kiện địa chấn xảy ra vào ngày 9/11/1046 dọc theo thung lũng Adige ở Trentino, kéo theo các vụ sạt lở đất nghiêm trọng, trong đó có sự kiện sông Adige đã bị chặn lại hơn 10 ngày.
+ Hiện tượng tự nhiên này ở Ý được gọi là Lavini di Marco: các khối đá vôi hình thành do sạt lở đất xảy ra từ thời tiền sử. Khu sinh cảnh tự nhiên này ở gần Rovereto, thuộc các tỉnh tự trị Trento. Dù dốc đến đâu cũng có thể đi xuống được như Dante miêu tả.
10-12. Crete là một hòn đảo thuộc Hy Lạp và có diện tích lớn thứ năm ở biển Địa Trung Hải.
+ Khổ thơ này ám chỉ vùng đất của các nhân ngưu Minotaur (tiếng Ý: Minotauro), họ là những quái vật nửa người nửa bò trong thần thoại Hy Lạp.
13-24. Đoạn thơ này được Dante kết hợp một số đặc điểm của thần thoại cổ điển, đặc biệt là từ bài thơ "Ars amatory” của Ovid, kể về nàng Pasiphae, vợ của Minos, nhà vua trên đảo Crete.
Vì lời nguyền của thần Poseidon, nàng đã yêu mê mẩn một con bò đực và để được chiếm hữu, Pasiphae đã làm giả một con bò cái tơ bằng gỗ rồi chui vào, sau đó nàng thụ thai sinh ra con quái vật Minotaur.
Bị nhốt trong mê cung Knossos, con quái vật đã bị Theseus (Thésée) giết chết với sự giúp đỡ của Ariadne, người chị cùng mẹ khác cha với Minotaur.
+ Câu chuyện trên có xuất xứ từ thần thoại Hy Lạp, mê cung nổi tiếng Knossos, được xây dựng bởi kiến trúc sư Daedalus.
13. Con bò giả: ám chỉ Pasiphae.
17. Công tước Athens (nguyên tác: Atene): ám chỉ Thésée, con trai của Egée, vua Athena.
20. Ý nói nàng Ariane .
37-42. Ám chỉ sự kiện Chúa Jesus phục sinh và đưa các vị tộc trưởng trong Kinh Thánh (cựu ước) rời khỏi Limbo: Adam, Abel, Noah, Moises, Abram, David, Jacob… (xem Địa ngục 4: 55 – 60).
+ Ý nói trận động đất (câu 41) là điềm báo trước vũ trụ sắp trở lại thời kỳ hỗn mang nguyên thủy.
43-45. Theo lý thuyết của nhà triết học Hy Lạp, Empedorcles được Aristotle thảo luận trong Siêu hình học, thì thế giới tồn tại trên thực tế nhờ sự thù hận qua lại giữa các yếu tố cấu thành của vật chất. Nếu tình yêu (câu 42) thay thế cho hận thù này, chúng sẽ hòa vào nhau, tạo ra sự hỗn loạn.
67. Nesso (tiếng Anh: Nessus) trong thần thoại Hy Lạp là một con Nhân mã (Centaurus), làm nghề cõng khách qua sông Eveno vì hắn không có đò. Một lần nọ, khi đưa vợ của người anh hùng Heracles qua sông, vì thấy Deianeira quá xinh đẹp nên Nesso đổi ý muốn bắt cóc nàng và lập tức bị Heracles dùng tên tẩm độc rắn 12 đầu (mãng xà Hydra) bắn chết. Trước phút lâm chung, Nesso đã cởi chiếc áo đẫm máu của mình trao tặng cho Deianeira và nói: Heracles thực ra không xứng đáng với nàng. Sau này nếu như chàng ta không chung thủy, hãy đưa chiếc áo này cho Heracles mặc thì tình yêu của chồng nàng sẽ trở lại như xưa. Và nàng Deianeira trong một lần nghi ngờ chồng mình không còn chung thủy đã làm theo lời dặn của tên nhân mã. Heracles bị ngấm độc, và sau đó vì quá đau đớn đã phải chọn cái chết trên giàn lửa.
71. Theo thần thoại Hy Lạp, Peleus vì sợ con trai (Achille) sẽ lại chết trong tay vợ mình là nữ thần biển Thetis nên đã đưa Achille cho nhân mã Chiron để nhờ ông nuôi dưỡng.
72. Theo Metarmophoses XII, 219 của Ovid, Pholus (Hy Lạp: Folo) là người giận dữ trong lúc say rượu khi cố bắt cóc cô dâu và những người phụ nữ khác của Lapiti giữa đám cưới của Hippodamia và Piritoo.
88. Ý nói Beatrice.
107a. Dionisio hay Dionysius the Elder (430 - 367 TCN) là một bạo chúa của Syracuse, thường được coi là ví dụ về sự tàn ác trong thế giới cổ đại.
107a. Alexander có thể là bạo chúa Pherae ở Thessaly, kẻ mà Cicero đã nói về sự tàn ác; hoặc vua của Macedonians, người mà một số tác giả Latin mô tả là bạo chúa khát máu.
110. Azzolino tức Ezzelino III da Romano (1194-1259) là một lãnh đạo và chính trị gia Ý, chúa tể của Treviso, mang dòng máu của gia tộc Đức da Romano (còn gọi là Ezzelini). Azzolino là một người táo bạo, xảo quyệt và dũng cảm. Quyết tâm và ý chí thống trị của ông đã dẫn đến những hành động tàn nhẫn và độc ác sau cái chết của đồng minh Federico II ở Svevia xảy ra vào năm 1250. Trong các biên niên sử sau này, ông được ban cho tên gọi "dữ dội và khủng khiếp”, mặc dù nhiều sự tàn bạo được cho là của Azzolino là kết quả của truyền thuyết.
111. Opizzo hay Obizzo II d'Este (k.1247-1293) là Lãnh chúa xứ Ferrara, Marca Anconitana và Este, là con ngoài giá thú của Rinaldo I d'Este, cháu trai của Azzo VII d'Este (hay còn gọi là Azzo Novello). Theo một truyền thuyết, ông đã bị giết chết bởi người con trai Azio VIII vào năm 1293.
+ Tuy nhiên nhiều nhà chú giải không đồng tình với việc Dante xếp ông vào tầng ngục dành cho các bạo chúa.
112. Ở đây Dante dường như muốn xác nhận lại một truyền thuyết Obizzo II d'Este bị con trai Azio VIII của mình giết chết.
+ Nguyên văn: fu spento dal figliastro sù nel mondo (trên trần thế người này bị đứa con riêng giết chết).
119. Ám chỉ bá tước Guy de Montfort, tiếng Ý là: Guido di Montfort (1243 - Messina 1288). Ông là một nhà lãnh đạo người Anh, con trai của Simon V xứ Montfort, Lãnh chúa thứ năm của Leicester và Eleonora (Anh).
+ Năm 1271, để trả thù người anh/em họ về hành vi giết hại cha mình trong trận chiến Evesham, Guido đã đâm chết Enrico di Cornwall khi người này đang vịn vào bàn thờ để xin sự thương xót. Mặc dù Guido không bị trừng phạt vì tội giết người, nhưng đã bị Giáo hoàng sa thải vì đã phạm một tội ác ghê tởm: giết người ở một nơi tận hiến.
120. Sông Tamisi: sông Thames ở Anh.
134. Attila là một người lãnh đạo người Hun (Hung nô) và cai trị một vùng đất rộng lớn trải dài từ Trung Âu đến Biển Caspian và từ Danube đến biển Baltic từ năm 434 cho đến khi ông qua đời thì đế chế của Attila cũng tan rã.
+ Attila được đặt biệt danh là: Tai họa của Chúa, vì sự tàn ác của mình.
Ông là một nhân vật huyền thoại trong lịch sử châu Âu theo nhiều cách khác nhau: chiến binh hung dữ, tham lam, độc ác hoặc một vị vua vĩ đại và cao quý trong những chuyện kể dân gian (sagas) ở phía bắc và phía đông châu Âu.
135. Pirro có thể là Neottolemo, đứa con trai (khát máu) của Achille hoặc vị vua xứ Epirus được ca ngợi ở De Monarchia (Chế độ quân chủ của Dante). Còn Sesto, có lẽ là Sesto Pompeo (k. 67 -35 TCN) là một chiến binh và chính trị gia La Mã ở cuối thời kỳ Cộng Hòa, sau cái chết của người cha (Pompeo) anh ta đã trở thành cướp biển.
136. Rinieri da Corneto (sinh ở Tarquinia, mất trước năm 1300) là một người lính thủy nổi tiếng vì sự tàn bạo trong thế kỷ XIII. Anh ta săn mồi chủ yếu trên những con đường của Maremma và vùng nông thôn La Mã.


Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục