ĐỊA NGỤC 13

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2022 | 3:03:50 PM

Tầng địa ngục thứ bảy: Lối vào vòng ngục thứ hai. Nơi có khu rừng tự sát với những bụi cây chảy máu, cũng là vùng đất trú ngự của lũ chim Arpie đầu người mình chim. Vụ tự sát ở Firenze.

Tranh minh họa của Gustave Dore (Inferno_canto XIII_Line 34)
Tranh minh họa của Gustave Dore (Inferno_canto XIII_Line 34)

Đó là buổi sáng Thứ Bảy ngày 9 tháng 4 (hoặc 26 tháng 3) năm 1300.


1. Chúng tôi tới một khu rừng, trong lúc
Nesso còn chưa về tới bờ kia
song chẳng thấy một lối đi nào cả.

4. Rừng xám xịt vì cây không xanh lá;
các nhánh cây thì vặn vẹo xù xì;
không có quả, chỉ toàn là gai độc:

7. cành không cứng hay lá dày rậm rạp
lũ thú hoang chẳng lai vãng nơi đây
vùng đất trống giữa Ceci(na) và Cor(neto).

10. Là vùng đất của Arpie xấu xí,
khiến dân Troy phải chạy khỏi thành Troy
với cảnh báo một tương lai thê thảm.

13. Có đôi cánh nhưng cổ và gương mặt,
chúng là người, với móng vuốt ở chân;
mình đầy lông, đậu trên cành rền rĩ.

16. Thầy bảo tôi: "Trước khi vào trong đó,
hãy nhớ đây là vòng ngục thứ hai,
và ở đó cho đến khi” thầy nói

19. "trận gió cát kinh hoàng ào ạt tới.
Nhìn kỹ thì con sẽ thấy biết bao
điều ta nói hay đã từng giảng giải”.

22. Từ các phía tiếng khóc than lúc ấy,
bỗng rộ lên nhưng chẳng thấy người đâu;
tôi sửng sốt dừng chân nhìn khắp chốn.

25. Tôi đoán chừng bọn họ đang ẩn nấp
ở xung quanh, phía sau những lùm cây
thầy nhìn tôi như hiểu điều tôi nghĩ.

28. Nên thầy bảo: "Con bẻ vài cành lá
của bất kỳ cây nào đó ở đây,
mọi thắc mắc sẽ tức thì sáng tỏ”.

31. Nghe lời thầy tôi đưa tay ngắt bỏ
một cành cây có gai nhọn, bỗng nhiên
có tiếng kêu: "Sao bẻ ta đau thế?”

34. Từ chỗ gãy máu đen ngòm tuôn chảy,
tiếng kêu rên: "Sao lại muốn hại ta?
hay là ngươi đã không còn nhân tính?

37. Ta là cây, dù là người trước đó:
bàn tay ngươi nhẹ nhàng chút được không
dẫu ta đã là linh hồn rắn rết”.

40. Như một đầu cành củi tươi đã cháy
còn đầu kia vẫn rên rỉ, nghiến răng
tiếng thoát ra có lẽ nhờ vào gió,

43. vậy, tiếng khóc phát ra từ cành gãy
cùng máu tuôn khiến tôi sợ hết hồn
buông cành cây tôi đứng im như thóc.

46. "Hỡi linh hồn đã bị thương”, thầy nói
"ngay từ đầu nếu gã có niềm tin,
vào thơ ta và những gì đã đọc,

49. thì với ngươi tay gã không chạm tới,
tuy nhiên vì việc này quá khó tin
hành động đó khiến lòng ta nặng trĩu.

52. Người là ai, có thể cho tôi biết
để sửa sai, làm mới lại thanh danh
trên trần thế, nơi người quay trở lại”.

55. Hồn cây đáp: "Với những lời khôn khéo,
ngài khiến tôi không thể mãi lặng im
xin đừng phiền nếu tôi dài dòng kể.

58. Tôi là người nắm giữ hai chìa khóa
của trái tim Frederick, một tay
tôi quán xuyến nhịp nhàng chuyện mở, khóa

61. những bí mật của Ngài tôi giữ kín
và trung thành với trách nhiệm vinh quang,
đến quên ngủ và coi thường sinh lực.

64. Nhà tế bần không dành cho lũ điếm
mắt Cesare chả đến nỗi mù đâu,
chết thì chung, còn quan tòa các phó,

67. như ngọn lửa nhen dần lên chống đối;
rồi bén dần đến Augusto,
từ mừng vui chuyển đau buồn tang tóc.
70. Tâm hồn tôi trong tột cùng phẫn uất,
đã nghĩ rằng chết sẽ khỏi khinh khi,
chống lại tôi thật bất công quá đỗi.

73. Tôi xin thề với phận là cây cối
không bao giờ tôi phá vỡ niềm tin
của Chúa tôi, niềm vinh quang xứng đáng.

76. Và hai người nếu có về dương thế
xin giữ nguyên ký ức cũ giùm tôi
đang bẹp dí dưới những đòn ghen tị”.

79. Chờ một lát rồi nhà thơ liền bảo:
"Hắn đã ngừng, đừng bỏ phí thời gian;
hãy hỏi thêm những điều con muốn biết”.

82. Tôi đã nói với thầy mình: "Hỏi giúp
những điều mà thầy tin tưởng, vì con
không thể nói bởi quá nhiều thương xót”.

85. Thầy tiếp tục: "Nếu như người đáp ứng
điều mà tôi vừa cầu khẩn, hỡi ôi
xin hồn đang bị cầm tù hãy nói

88. vì sao hồn nhập được vào cây cối
có bao giờ hồn thoát khỏi thân cây
hồn có thể nói thêm về điều đó”.

91. Bấy giờ cây mới thở dài một tiếng
sau đó nghe như tiếng gió thì thào:
"Điều này ta sẽ trả lời vắn tắt.

94. Khi linh hồn chúng ta rời khỏi xác
nó trở nên rất hoang dại, dữ dằn
nên Mins sẽ quẳng xuống tầng thứ bảy.

97. Tức rừng này, và chẳng ai được chọn;
rơi xuống đâu tùy vào sự rủi may,
và ở đó nảy mầm như hạt lúa.

100. Khi mọc lên một cây non hoang dã:
lũ Arpie đến mổ lá để ăn,
chúng đau đớn mở ra niềm đau đớn.
103. Dù rất muốn trở về hình hài cũ,
nhưng chúng tôi thân xác đã không còn
vì chẳng thể lấy lại điều đã mất.

106. Nên các hồn kéo tới đây hành xác
trong khu rừng đầy buồn thảm, treo lên
dưới mỗi cây một âm hồn hung hãn”.

109. Chúng tôi vẫn lắng nghe lời cây nói,
tin hồn còn nhiều điều muốn kể ra
nhưng bất chợt những âm thanh kinh sợ,

112. tương tự như tiếng chân người lúc đó,
đang săn lùng một con lợn bị thương,
tiếng rống lên giữa lùm cây xào xạc.

115. Từ bên trái, hai bóng người trầy xước,
không áo quần, đang trốn chạy rất nhanh,
nhiều cành cây bị họ làm rụng, gãy.

118. Người chạy trước kêu: "Nhanh lên, thần chết!”
người chạy sau thấy mình quá chậm chân
"Lano ơi” gã gào lên "không biết

121. khi trở về từ Toppo”… tới đó
thì anh chàng như kiệt sức hết hơi,
rồi bất ngờ ngã lăn vào bụi rậm.

124. Phía sau họ là khu rừng rậm rạp
bầy chó đen trông đói khát đuổi theo,
như thể chúng vừa được ra khỏi cũi.

127. Chúng ngoạm răng vào người nằm trong bụi,
xé tan tành thành từng mảnh, tha đi
chân với tay nát tươm nhìn rất thảm.

130. Người bạn đường nắm tay tôi đi tới
chỗ hồn cây đang vô vọng khóc than
những vết thương đang ròng ròng chảy máu.

133. "Ôi Jacopo da Santo (Andrea)” hồn nói,
có ích gì khi ẩn nấp nơi đây?
cuộc đời cậu, tôi làm gì có lỗi?”

136. Thầy dừng lại trước bụi cây và hỏi:
"Người là ai mà cành lá xum xuê
máu tuôn trào và lời than đau đớn?”

139. Hồn cây nói: "Hỡi những hồn mới tới
chứng kiến điều không trung thực, nỗi đau
là do tôi tự ngắt đi cành lá,

142. xin gom chúng dưới gốc cây buồn bã.
Tôi là dân nơi vì thánh Bati(sta)
mà đuổi đi vị chủ nhân thứ nhất

145. với nghệ thuật ngài khiến cho pho tượng;
phải dời đi qua tới tận bờ sông
và đến nay cũng chẳng còn dấu vết,

148. những công dân của đô thành sau đó
trên đống tro mà Atti(la) tạo ra,
đã cố gắng dựng xây trong vô ích.

151. Tôi tự làm giá treo cổ mình lên”.

Chú thích: 13
9. Vùng đất trống nằm giữa Cecina và Corneto là Maremma.
10-15. Dante dường như mô tả những con Arpies, quái vật trong thần thoại cổ điển, nửa phụ nữ nửa chim, săn lùng những người dân thành Troy của Aeneas với lời tiên tri về nạn đói trong chuyến hành trình từ quần đảo Strofades tới bờ biển Lazio trong Aeneid III, 209 của Virgil.
+ Trong thần thoại Hy Lạp và thần thoại La Mã, Arpie (tiếng Anh: Harpy) là những yêu nữ đầu người mình chim, được xem là hiện thân của những cơn gió bão. Các Harpy thường ở trên những hòn đảo gọi là Strofades, hoặc một hang động ở đảo Crete.
43-45. Hình ảnh cành cây chảy máu được Dante lấy từ sử thi Aeneid (III, 13-68) của Virgil. Và ở đoạn tiếp theo Dante cũng thừa nhận điều này khi viết "nếu gã có niềm tin vào thơ ta”.
55. Hồn cây này là Pietro della Vigna (cũng là Pier delle Vigne, Petrus de Vineas hoặc de Vineis; c. 1190 -1249) là một nhà tư pháp và nhà ngoại giao người Ý, người đóng vai trò vừa là thủ tướng vừa là thư ký (logothete) cho Hoàng đế Frederick II. Bị buộc tội sai về lèse-majesté, (một thuật ngữ tiếng Pháp có nghĩa là "làm tổn hại đến uy nghi", tức là một tội hình sự chống lại phẩm giá của Cộng hòa La Mã cổ đại), Pietro della Vigna sau 20 năm danh giá đã thất sủng trước chúa tể của mình. Rơi vào cảnh tù đày xiềng xích, cặp mắt cũng trở nên mù lòa nên chỉ một năm sau ông đã tự sát.
59. Ý nói hoàng đế Frederick II.
60. Giữ hai chìa khóa: ý nói Pier della Pigna là người giữ hai chức vụ lớn trong đế chế Federick II là Gran giudice della corte imperial (Thẩm phán trưởng của triều đình) và Logotete (cấp trên của tất cả các công chứng viên và người giữ các con dấu của Đế chế).
64-66. Nhà tế bần: ám chỉ cung đình; Mắt Cesare: ý nói Hoàng đế Frederick II.
+ "Cesare” ở câu 65 cũng như "Augustus” ở câu 68 là những tước hiệu được phong của các Hoàng đế La Mã.
70-72. Pietro della Vigna bị bắt tại Cremona vào đầu năm 1249 với tư cách là một kẻ phản bội (proditor). Những lý do cho vụ bắt giữ chưa bao giờ được làm rõ, vì Federick II đã bị che mắt ở Pontremoli. Ngay cả cái chết của Pietro xảy ra ngay sau đó, do tự tử hay do hậu quả của sự mù lòa, đến nay vẫn chưa ai biết lý do.
+ Tuy nhiên, theo giáo lý của đạo Kitô thì chỉ có Chúa mới có quyền ban cho, hoặc lấy đi sự sống của con người, cho nên Pietro della Vigna tự sát là mắc trọng tội.
79. Ý nói Virgil, thầy của Dante.
88. Trong trí tưởng tượng thời trung cổ, linh hồn thường được liên kết với các biểu tượng thực vật, như Người thần bí của Hildegard xứ Bingen (thế kỷ XII), ở Liber Scivias đã cảm nhận được linh hồn thiêng liêng trong một cái cây. Nhiều dân tộc du mục cổ đại, cũng coi cây cối là biểu tượng của sự sống, vì nó sinh ra hoa trái và trí tuệ siêu phàm (Proverbs III, 18), thậm chí linh hồn của người công bình khi chết sẽ được gọi là cây sồi công lý (Isaiah LXI, 3) và điểm tô cho vườn ươm của Chúa để biểu lộ niềm vinh quang của nó.
+ Hildegard xứ Bingen: là một nhà soạn nhạc và nhà tự nhiên học người Đức.
93. Mins: tức Minos, người phán xét sự chết ở địa ngục.
120. Lano da Siena có thể là một thành viên của lữ đoàn Spendereccia và đã chết tại Giostre del Toppo vào năm 1288 trong một trận chiến mà người Siena lúc đó đã bị đánh bại bởi Arezzo.
127. Người bạn đường: ý nói Virgil.
133. Jacopo da Sant'Andrea hoặc James St Andrew (... - 1239) là một nhà quý tộc Ý. Cha mẹ ông đều có xuất thân cao quý (mẹ là con gái của một lãnh chúa, cha là thẩm phán trưởng Monselice).
Jacopo qua đời năm 1239 do tự tử, sau khi để mất khá nhiều quyền sở hữu tài sản của mình ở Aurilia, Arzere, Boltene, Oriago, Borbiago, Pianiga, Trescevoli, Pladano, Vigna, Pionca.
144. Theo một truyền thuyết ở Firenze, thánh bổn mạng đầu tiên ở đây là thần Mars, và sau đó được thay bằng thánh Giovanni Battista.
147. Ý nói bức tượng thần Mars cưỡi ngựa được đặt ở đầu cầu Ponte Vecchio. Tuy nhiên, trong thực tế đây bức là tượng vua Ostrogoth và nó đã bị phá hủy trong trận lụt Arno năm 1333.

Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục