ĐỊA NGỤC 14

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/7/2022 | 9:05:28 PM

Tầng địa ngục thứ bảy: Vòng ngục thứ ba. Đi xuống nơi những người bạo lực bị trừng phạt vì chống lại Thiên Chúa, thiên nhiên và nghệ thuật, hai thầy trò Dante phải băng qua một hoang mạc cát cháy và mưa lửa. Gặp gỡ với Capaneo. Nguồn gốc của những dòng sông Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore (Inferno_canto XIV_Line 37-39)
Tranh khắc gỗ của Gustave Dore (Inferno_canto XIV_Line 37-39)

Đó là bình minh ngày Thứ Bảy 9 tháng 4 (hoặc 26 tháng 3) năm 1300.



1. Lúc ấy vì tình đồng hương tôi đã
gom lá rơi rồi vun dưới gốc cây,
theo ý nguyện của âm hồn yếu đuối.

4. Sau đó thì thầy trò tôi đi tới
nơi phân chia tầng hai với tầng ba,
và chứng kiến một điều kinh khủng khác.

7. Vùng phân giới là một nơi đất cát,
hay đồng hoang, có lẽ vậy, là nơi
đến cỏ cây cũng không sao mọc được.

10. Còn khu rừng như vòng hoa tang tóc
bao xung quanh một cái hố buồn đau;
đi tới đây thì chúng tôi dừng lại.

13. Trên mặt đất cát khô dày, không khác
vùng đồng hoang hay sa mạc ngày xưa
chân Catone đã băng qua giày xéo.

16. Như thánh thần, sự trả thù của Chúa
đáng sợ cho ai đọc tới dòng này
bởi những gì trước mắt tôi hiển hiện!

19. Những âm hồn đang lõa lồ than khóc
từng nhóm người nhìn trông rất thảm thương
và dường như họ mỗi người một tội.

22. Lác đác hồn trên đất nằm thườn thượt,
một số thì thu mình lại ngồi im,
một số khác cứ liên hồi đi lại.

25. Hầu hết đều theo vòng tròn di chuyển,
kẻ nằm dài trong dằn vặt, khổ đau
vẻ chán chường sau phút giây tặc lưỡi.

28. Khắp mặt đất lửa như hoa rực cháy,
từ từ rơi nhẹ nhàng xuống khác chi
tuyết Alpi trong một ngày lặng gió.

31. Giống Alex(andros) viễn chinh sang Ấn Độ
khi hành quân qua vùng đất nóng khô
thì gặp lửa trút như mưa cháy sáng,

34. vậy là ngài đã lệnh cho quân lính
dập tắt ngay bằng cách đạp, chà lên
từng đốm lửa không cho lan khắp chốn:

37. lửa vĩnh hằng cứ vậy mà trút xuống;
cát giống như chất kết dính lan nhanh
nên nỗi đau được nhân đôi dưới lửa.

40. Vũ điệu của những bàn tay khốn khổ
mãi không ngừng, dập chỗ nọ chỗ kia
kết thúc ngay đốm lửa vừa rơi xuống.

43. "Mọi trở ngại, cuối cùng thầy đã thắng”
tôi bắt đầu: "Trừ lũ quỷ ngoài kia
sẽ chống đối khi chúng ta qua cổng,

46. gã khổng lồ kia là ai? Sao hắn
không quan tâm đến ngọn lửa chỉ nằm
chẳng sợ chết, còn khinh thường mưa lửa?”

49. Cũng như tôi, khi hắn ta nhận thấy
tôi hỏi thầy, hắn đã quát tướng lên:
"Ta sống sao, thì chết đi vẫn thế.

52. Dù Giove có nổi điên sai khiến
người thợ rèn của ông ấy làm ra
lưỡi tầm sét để đâm cho ta chết;

55. hay thần còn sai khiến bao người khác
trong lò rèn đen đúa ở Mongi(bello),
hãy giúp ta dù thần Vulcan gọi!”

58. Ngay cả lúc trên chiến trường Fleg(ara)
thần đã từng dốc sức lực đánh ta,
sự trả thù chẳng mang về hạnh phúc”.

61. Sau đó người hướng đạo tôi lên tiếng
thầy nói nhiều, rất mạnh mẽ: "Capa(neo),
sự kiêu ngạo của nhà ngươi hơi quá

64. không giảm bớt sẽ bị trừng phạt nặng
chẳng đọa đầy nào ngoài sự cuồng điên
xứng đáng với tính tình ngươi hung hãn”.

67. Rồi nhìn tôi vẻ dịu dàng, thầy nói:
"Đây chính là một trong bảy ông vua,
đã bị vây ở đô thành Thebes.

70. Thường coi khinh và dường như rất ít
hiến tế cho các chư vị thánh thần
thói kiêu ngạo giống như đồ trang sức.

73. Giờ con hãy đi đằng sau, chú ý
đừng bước vào chỗ có lửa bốc lên;
hãy đi gần những bụi rậm, chớ quên”.

76. Trong im lặng thầy trò tôi bước tiếp
từ trong rừng một con suối chảy qua,
tôi rùng mình khi thấy màu nước đỏ.

79. Chảy từ hồ Buli(came) ra, trong đó
phần nhiều là máu của những tội nhân,
con suối này chảy tới vùng đất cát.

82. Ở dưới đáy và hai bên bờ suối
đá ken nhau xếp như chúng được kè
độ dốc làm nước luôn bị cuốn đi.

85. "Trong tất cả những người ta đã chỉ,
kể từ khi bước qua cửa, lối vào
chưa có ai bị chối từ ngăn cản.

88. Còn những gì trong mắt con đã thấy
con suối này mới đáng chú ý hơn
vì ngọn lửa sẽ tắt dần cùng nó”.

91. Nghe những lời người dẫn đường đã nói
tôi cầu xin thầy có thể truyền thêm
những hiểu biết mà tôi hằng mong muốn.

94. Thầy bèn kể: "Ngoài biển kia có xứ
khá hoang vu gọi là đảo Cre(te),
thời kỳ ấy mọi điều còn trinh khiết.

97. Có ngọn núi với rừng xanh nước biếc
đẹp tuyệt vời, tên thường gọi Ida
hoặc vắng vẻ như những điều cảnh báo.

100. Hồi đó Rea chọn nơi này làm chốn
che giấu cho con trai nhỏ của mình
bởi khóc là cậu thường hét toáng lên.

103. Đứng trong núi một ông già cao lớn,
lưng quay về Dammiata nhìn Rome
như thể người đứng tạo dáng soi gương.

106. Với cái đầu làm bằng vàng nguyên chất,
ngực và tay bằng bạc khối, tiếp theo
là đồng thau từ thắt lưng trở xuống;

109. phần dưới hông tất cả đều bằng sắt,
trừ cái chân bên phải là đất nung;
khiến ông chỉ còn một chân để trụ.

112. Trừ phần đầu, thì các phần còn lại
đều nứt vì khi nước mắt ứa ra,
rồi đọng lại, ăn mòn thành hang núi.

115. Xuyên qua đá nước chảy ra thung lũng:
tạo nên sông Ache(ronte), Styx, Fle(getonta);
rồi chảy tiếp xuống một khe suối hẹp

118. khi không thể chảy đi đâu được nữa
nó tạo thành hồ Cocyt(us), mà thôi
ngươi sẽ thấy, nên ta không nói nữa”.

121. Tôi hỏi thầy: "Con suối này hiện tại
chảy tới đâu trong thế giới chúng ta,
sao người đó xuất hiện như ác quỷ?”

124. "Địa ngục này là hình tròn” thầy nói;
"và dù con đã đi quãng đường dài,
bên lề trái theo hướng dần đi xuống,

127. nhưng vẫn chưa hết một vòng địa ngục:
thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên
nếu xuất hiện ở đây điều khác lạ”.

130. Tôi lại hỏi: "Thưa thầy, sông Phleg(ethon)
và Lethe, không biết chúng ở đâu
con sông nào chảy ra từ nước mắt”.

133. "Những câu hỏi của con làm ta thích”
thầy trả lời, "nhưng dòng nước sục sôi
là lời đáp cho những câu hỏi đó.

136. Ở bên ngoài sông Lethe con sẽ
thấy các hồn đến tắm rửa ở đây
khi ăn năn hay lỗi lầm đền chuộc”.

139. Rồi thầy nói: "Khu rừng này tới lúc
phải rời đi, con hãy bước theo sau
chỗ không cháy là đường ta đi được,

142. và lúc đó lửa khắp nơi đã tắt”.




Chú thích: 14
1. Đồng hương: ý nói Dante và hồn cây (không biết là ai) cùng là dân thành Firenze (Địa ngục 13: 143)
3. Theo Địa ngục 13: 142
15. Theo sử thi Pharsalia của Lucan, vùng đất đầy mưa lửa cát cháy này giống như cuộc hành quân vượt qua sa mạc Libya của Catone Uticense (Cato Uticenses).
+ Pharsalia nguyên văn tiếng Latin là De Bello Civili (On the Civil War), là bộ sử thi La Mã mô tả chi tiết cuộc nội chiến giữa Julius Caesar với Thượng viện La Mã do Pompey Đại đế lãnh đạo.
22-24. Theo Kinh Thánh (Genesis XIX, 24), những kẻ nằm mắc tội báng bổ; Những kẻ ngồi mắc tội chiếm đoạt, chống lại tự nhiên và nghệ thuật; Những kẻ đang đi lại mắc tội hung bạo chống lại Thiên Chúa, hay tội nhân chống lại tự nhiên.
28-30. Mưa lửa liên tục, dày như tuyết rơi trên dãy Alpi khi không có gió… tương tự như hình ảnh được mô tả trong Sách Ezekiel (XXXVIII, 22). Hoặc như những câu của Psalms 10 "Trời sẽ mưa trên những kẻ độc ác/ than hồng, lửa và lưu huỳnh/ gió cháy sẽ chạm vào họ trong số phận”.
31-36. Hình ảnh cơn mưa lửa ở đây có sự tương đồng với những mô tả của Alexander Đại đế trong một bức thư ngài gửi cho Aristotle, khi ngài nhìn thấy cơn mưa dữ dội ở Ấn Độ mà sau đó Đại đế đã phải ra lệnh cho binh lính của mình giẫm nát mặt đất để dập lửa, vì cho rằng đám cháy sẽ tắt nhanh hơn khi nó bị cô lập và chia nhỏ.
46. được nhắc đến trong câu thơ này là Capaneo (hay Capaneus), một anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, và là một trong bảy vị vua tham gia cuộc bao vây Thebes để khôi phục quyền lực cho Polynice trong cuộc chiến "7 người chống lại Thebes”. Ông được mô tả là một người có thân hình to lớn và sức khỏe tuyệt vời. Capaneo đã bị thần Zeus giáng sấm sét đánh chết sau khi trèo lên tường thành và công khai thách thức các vị thần chiến đấu với mình. Câu chuyện của ông được Aeschylus kể lại trong cuốn Bảy người chống lại Thebes bởi Euripides và nhà thơ La Mã Statius.
+ Vì dám chống lại thần linh nên trong Địa ngục, Capaneo bị coi là phạm tội báng bổ thần thánh.
52. Giove là vị thần tối cao Jupiter trong tôn giáo và thần thoại La Mã; tương tự như thần Zeus với biểu tượng sấm sét trong thần thoại và tôn giáo Hy Lạp; hoặc Tinia của người Etruscan. Ông còn được gọi là con trai của Saturn và Opi.
56. Mongibello ngày nay được sử dụng cho khu vực núi lửa Etna tại thành phố thủ đô Catania, nằm giữa Messina và Catania.
57. Vulcan (nguyên tác: Vulcano) là vị thần lửa và rèn kim loại của người La Mã, tương đương với thần Hephaestos trong thần thoại Hy Lạp.
58. Flegra: ám chỉ những trận chiến với người khổng lồ thường được đề cập đến trong Kinh thánh, thần thoại Hy Lạp và văn hóa dân gian.
79. Bulicame là một suối nước khoáng lưu huỳnh nóng khoảng 58°C, nằm về phía tây của trung tâm của thành phố cổ Viterbo. Phụ nữ địa phương hoặc gái mại dâm thường dẫn nước suối này chảy về nhà để tắm giặt.
86. Ý nói lối vào địa ngục (xem Địa ngục 3: 1-9)
96. Ám chỉ thời kỳ vàng son dưới thời vua Cretan (xứ đảo Crete) Saturn, con người được sống trong hòa bình hoàn hảo và hạnh phúc trọn vẹn (theo Aeneid, VIII, 319 của Virgil).
98. Ida là tên của hai ngọn núi linh thiêng của thần thoại Hy Lạp. Núi Ida đầu tiên nằm trên đảo Crete, và núi còn lại (Ida Phrygian) nằm ở Tiểu Á.
99. Hình ảnh hòn đảo Crete một thời giàu có và giờ đây đã hoang tàn đổ nát (Aeneid, 111, 104 ff. của Virgil)
100. Theo thần thoại Hy Lạp: Rea (hay Rhea) là mẹ của Hestia, Demeter, Hera, Hades, Poseidon và Zeus, nên Rea cũng thường được coi là mẹ của các vị thần trên đỉnh Olympus, giống như Gaia.
103-111. Những hình ảnh Dante mô tả ở đây được lấy nguyên văn từ Kinh thánh, đoạn nói về giấc mơ của Nebuchadnezzar (Daniel II).
+ Trong Metarmophoses (I, 89-150) của Ovid, sự suy tàn từ từ của nhân loại được cảnh báo trước trong thần thoại về bốn thời kỳ của con người: vàng, bạc, đồng, sắt.
112. Vàng khối: vàng nguyên chất.
119. Cocytus (nguyên tác: Cocito) là một cái hồ lớn đóng băng ở trung tâm địa phủ.
130-138. Trong La Divina Commedia của Dante, Phlegethon là dòng sông máu sôi sục (nơi trừng phạt những kẻ dùng bạo lực chống lại láng giềng) chảy ở Địa ngục, còn sông Lethe chảy trong vườn địa đàng trên đỉnh núi Luyện ngục để giúp các linh hồn quên đi tội lỗi của mình trước khi tới Thiên đường.
+ Trong thần thoại Hy Lạp, sông Phlegethon (tiếng Anh có nghĩa là rực lửa) theo mô tả của Plato nó như "một luồng lửa, cuộn quanh trái đất và chảy xuống vực sâu của Tartarus”, còn Lete (hay Lethe) là con sông của sự lãng quên trong thần thoại Hy Lạp và La Mã.


Các tin khác
Lucifer, Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIV)

Tầng địa ngục thứ chín: Judecca Nơi những kẻ phản bội ân nhân bị trừng phạt. Sau đó Dante và Virgil ra khỏi Địa ngục.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXIII, line 64)

Tầng địa ngục thứ chín: Antenora - Tolomea Bá tước Ugolino kể về cái chết của mình. Lối vào vòng ngục thứ ba Tolomea, nơi những kẻ phản bội khách bị trừng phạt. Dante cảm nhận được luồng gió tạo ra bởi đôi cánh của Lucifer.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXII, line 127-129)

Tầng địa ngục thứ chín: Caina và Antenora Lời cầu khẩn của Dante đến các Muses. Lối vào vòng ngục đầu tiên của Cocytus: Caina, nơi những kẻ phản bội người thân bị trừng phạt; và vòng ngục thứ hai: Antenora, nơi những kẻ phản bội quê hương bị trừng phạt.

Tranh khắc gỗ của Gustave Dore, 1890. (Inferno, canto XXXI, line 65)

Tầng địa ngục thứ chín: Hồ băng Cocytus Dante và Virgil tiếp cận cái giếng bao quanh hồ Cocytus. Gặp gỡ với Nimrod và Fialte. Người khổng lồ Antaeus đưa hai thầy trò xuống đáy hồ Cocytus.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục